Trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát: Khiêm tốn, chân thành và lắng nghe

Quốc Thắng-Thứ sáu, ngày 12/06/2009 09:26 GMT+7

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đã có 43 đại biểu biểu gửi câu hỏi, trong đó 22 đại biểu chất vấn bằng văn bản, 21 đại biểu đăng ký chất vấn trực tiếp tại hội trường. Phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát được đánh giá là khiêm tốn, chân thành và lắng nghe.

Một trong những nội dung lớn liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi nhiều lần là vấn đề kích cầu trong lĩnh vực này đã được chính phủ tiến hành như thế nào? Do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ và tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Trong bối cảnh nông nghiệp lạc hậu, manh mún, kích cầu thế nào để có hiệu quả và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn và thành thị?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chính phủ đã có chủ trương tăng đầu tư từ ngân sách, ưu tiên cho vay vốn, đồng thời rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách, khuyến khích mạnh mẽ hơn đầu tư của các thành phần kinh tế vào khu vực này. Với các chính sách kích cầu này, tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản năm 2009 dự kiến khoảng 42 ngàn tỷ, tăng 90% so với năm trước, tập trung vào các chương trình phát triển hạ tầng, đường giao thông, kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi, phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn, dạy nghề cho nông dân.

Trong phần trả lời tại hội trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định thêm, chính sách kích cầu của Chính phủ đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn cũng đã có quan tâm đúng mức tới các khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Kích cầu cho đồng bào khó khăn và đồng bào dân tộc đã có danh sách 61 huyện. Ngoài các danh sách này, đã có các chương trình đầu tư hạ tầng, giao thông nông thôn, dạy nghề, tín dụng…

Đề cập mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và việc gia nhập WTO, một số đại biểu đã nêu lên những hệ quả tất yếu như việc phải thu hẹp đất nông nghiệp; sản xuất, tiêu thụ nông thuỷ sản phải có tính cạnh tranh và hàm lượng trí tuệ cao hơn, buộc nông dân hoặc phải được đào tạo chuyên môn nông nghiệp hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Từ những vấn đề này, các ĐBQH nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình đào tạo cho nông dân và đặt các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về tính khả thi của chương trình đào tạo nghề cho nông dân mà Chính phủ đang áp dụng hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Phúc, ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Tính khả thi của đào tạo nghề cho nông dân được dự báo thế nào. Có biện pháp để người thụ hưởng chắc chắn là nông dân…?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay có hơn 25 triệu người làm nông nghiệp, nhưng chỉ có hơn 1 triệu người được đào tạo, còn lại là “cha truyền con nối”. Đào tạo là tất yếu, làm thế nào cho có hiệu quả là quan trọng. Các Bộ cùng nhau tham khảo ý kiến chuyên gia về nội dung, công tác, tổ chức, phân công. Phải xã hội hoá, huy động tư nhân, hợp tác xã, các nguồn vốn cho đào tạo. Học không áp đặp mà phải phù hợp với nguyện vọng của người dân. Áp dụng thử cơ chế phát thẻ học cho nông dân…

Liên quan tới chất vấn của các ĐBQH về tình trạng nông dân thiệt thòi vì Chính phủ cho phép nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp mà trong nước sản xuất được và tình trạng tư thương tranh mua, tranh bán, ép giá nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích: Chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần, theo định hướng XHCN. Cạnh tranh là bình thường và tư thương cũng là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Bộ đang triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra nước ngoài. Đồng thời, bên cạnh thành phần kinh tế tư nhân, Chính phủ cũng đang quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã như một thành phần kinh tế hiệu quả.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Cùng với khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, thì khuyến khích HTX là một chủ trương lớn. Đã tổng kết và có Chỉ thị số 20 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về việc phải có nhận thức đúng, chỉ đạo quyết liệt và hệ thống pháp luật phù hợp để thúc đẩy HTX phát triển…

Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời nhiều câu hỏi khác liên quan tới quá trình dồn điền đổi thửa và việc làm của nông dân, dự án hậu cần ngoài khơi hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, giải pháp quản lý và giảm thiểu tình trạng phá rừng, tăng độ che phủ rừng…

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát đã toát lên một số vấn đề lớn. Theo đó, nông nghiệp, nông thôn, nông dân không chỉ là lĩnh vực phức tạp, khó khăn do tập trung nhiều lao động, mà còn là lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược, liên quan tới an ninh lương thực và nhiều vấn đề quan trọng khác. Mặc dù luôn được Đảng, Nhà nước hết sức chăm lo, nhưng rõ ràng trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.

Chủ tịch đề nghị Bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu sâu sắc, tham mưu cho Chính phủ các biện pháp hợp lý và tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện đúng chủ trưởng của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước