Vì sao “Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê” bị quên lãng?

Tô Long -Thứ ba, ngày 28/07/2009 10:05 GMT+7

Trong chương trình Thời sự trước, VTV đã phản ánh về “Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê”, Đại đội do tỉnh Hà Tĩnh thành lập nhằm đảm bảo giao thông cho tuyến Quốc lộ 15A, cung đường đi qua huyện Hương Khê, nối với đường Trường Sơn giai đoạn 1966-1974, sau gần 35 năm, đến nay Đại đội này vẫn chưa được công nhận.

Ông Phan Văn Đệ, 79 tuổi, Nguyên là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Khê giai đoạn 1966-1975, ông là Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Hương Khê, nhận nhiệm vụ của tỉnh Hà Tĩnh thành lập và chỉ đạo trực tiếp đại đội này. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, ông thấy mình phải có trách nhiệm với những người một thời đã vì quyết định của ông mà xả thân vì đất nước.

Ông cho biết: “Ủy ban tỉnh quyết định thành lập ra Đại đội này, lực lượng mà chúng tôi lấy là từ thanh niên xung phong. Trên cung đường này không có bộ đội, không có lực lượng thanh niên xung phong, chỉ có anh em đại đội chủ lực. Tôi đi hỏi các anh ở Uỷ ban tỉnh, nếu lúc đó tắc đường 1 thì các anh đi đường nào. Chẳng có đường nào khác cả, chỉ có đường 15A. Vậy tại sao các anh không công nhận Đại đội này?”.

Chỉ vào những hố bom - chứng tích của chiến tranh, ông Đệ không khỏi ngậm ngùi trước nơi mà 17 đồng đội của ông đã hy sinh, nhưng đến nay có ba người vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Lý do là, họ không hy sinh ngay trên hố bom, mà đã trút hơi thở cuối cùng khi được đưa về nhà. Hơn 100 đồng đội của ông mang trong mình thương tật bởi chiến tranh, nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách.

Ông Hoàng Hữu Diễn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: “Chúng tôi đã làm công văn báo cáo gửi cho tỉnh, gửi ra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhưng nó mắc ở các văn bản các quy định của nhà nước”.

Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Hà Tĩnh thì cho rằng, mắc là họ không phải bộ đội, không phải thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến cũng không. Họ là lực lượng đặc thù của tỉnh Hà Tĩnh, giải quyết cho họ phải có cơ chế đặc thù...

Hơn 190 người còn sống thuộc Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê, người ít tuổi nhất cũng thuộc diện “xưa nay hiếm”. Nhiều năm nay, họ vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm sự công nhận, hơn 30 người đã chết mà không thể tiếp tục hành trình. Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, Sở LĐ-TBXH Hà Tĩnh đã có nhiều công văn và trực tiếp làm việc với Bộ LĐ-TBXH, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.

Ông Phan Văn Đệ, Nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Hương Khê cho rằng, hồ sơ về "Đơn vị" tuy bị thất lạc, nhưng những gì đã xảy ra là một sự thật, vì đã có sẵn những chứng cứ thích đáng. “ Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê” là có thật. Sự cống hiến, hy sinh của họ là có thật và đã đi vào lịch sử Đảng bộ huyện. Đã có rất nhiều bài báo viết về sự lãng quên này, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang bế tắc...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước