Vì sao khó quản lý lao động nước ngoài?

Gia Hiền-Thứ sáu, ngày 16/09/2011 11:30 GMT+7

Từ 1/8/2011, Nghị định sửa đổi, bổ sung về việc tuyển dụng quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã có hiệu lực.

Hàng ngày, tại Nhà máy đạm Ninh Bình, từng đoàn lao động phổ thông Trung Quốc tấp nập vào công trường làm việc.

Theo đó, việc đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc chỉ được chấp nhận sau khi không thể tuyển được công dân Việt Nam. Tuy nhiên, tại nhiều công trình ở nhiều địa phương, lao động phổ thông nước ngoài vẫn đang tràn ngập, trong đó có hàng ngàn công nhân lao động trái phép.
Vì sao lại tồn tại tình trạng này, tại sao khi vẫn còn nhiều lao động trong nước thất nghiệp, thì ở những công trình trọng điểm quốc gia, nguồn việc làm rất lớn, với thu nhập cao, lại không thuộc về họ. Vì sao các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư trong nước biết rõ thực tế này, nhưng vẫn làm ngơ?
Ông Hà Quang Giới, Phó Tổng giám đốc dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng cho rằng, khó có thể biết được gần 800 công nhân Trung Quốc mà ông trả lương đang làm việc trên công trường này đến từ đâu, làm việc gì, và thậm chí, đã hoàn thành các thủ tục để lao động hợp pháp hay chưa.
“Dự án Nhiệt điện Hải Phòng là dự án theo hình thức EPC, tổng thầu chìa khóa trao tay. Trúng thầu là nhà thầu Trung Quốc, nên lực lượng xây lắp, quản lý, kỹ thuật, công nhân kỹ thuật... một số công đoạn chính chủ yếu là công nhân Trung Quốc. Ta chọn tổng thầu EPC (gói thầu trọn gói, chìa khóa trao tay) là họ rồi, thì là họ làm”. Ông Hà Quang Giới cho biết.

Điều dễ dàng nhận thấy không phải công nhân Trung Quốc ở đây chỉ làm những công việc ở trình độ cao, mà họ vượt hàng nghìn cây số sang đây để làm những việc như khoan phá bê tông, việc mà người Việt Nam đã quá quen thuộc, và dĩ nhiên, có rất nhiều thợ khoan bê tông Việt Nam có thể làm được.

Anh Đồng Văn Quyết, Thợ khoan, Dự án nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 cho biết: “Bọn em khoan đục như những công nhân Trung Quốc kia. Có cả người Trung Quốc lẫn người Việt Nam cùng làm. Một ngày, bọn em được trả 120 nghìn đồng theo ngày, không có hợp đồng lao động. Một ngày, thợ Trung Quốc được trả ít nhất hơn 300 nghìn đồng, gấp đôi tụi em. Việc làm của họ cũng không khác gì, cũng khoan như thế”.
Các nhà quản lý và nghiên cứu về quản lý lao động cho rằng, việc số lao động nước ngoài tăng mạnh, trong khi thủ tục pháp lý bị buông lỏng cho thấy khâu quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập. Từ đó, có thể dẫn tới những hậu quả xấu trên nhiều mặt, kinh tế, xã hội, văn hóa, và an ninh quốc gia.
Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Nếu cấp xã, cấp huyện làm đúng Luật cư trú, Luật cấp phép, thì tất cả các vấn đề lao động này chắc gì đã phát sinh. Chỉ có mở về mặt pháp luật thì nó mới phát sinh thôi, chứ làm chặt chẽ thì làm gì có phát sinh về vấn đề này”.
Theo Thạc sỹ Phạm Ngọc Thành, Trưởng khoa Quản lý lao động (Đại học Lao động xã hội): “Một số nước trên thế giới quy định, chỉ được sử dụng 3% lao động không phải của nước sở tại thôi. Và đối tượng lao động là chuyên gia, kỹ sư chuyên môn cao mà nước sở tại không thể đáp ứng được. Còn những lao động phổ thông, lao động kỹ thuật mà nước sở tại có thể đáp ứng được thì phải ưu tiên sử dụng. Điều đó sẽ tạo ra gần như một rào chắn kỹ thuật để chúng ta cản đối tượng lao động kia họ đưa vào Việt Nam làm việc. Để tình trạng đó xảy ra rồi thì xử lý sau bao giờ cũng khó khăn”.
Đã không còn trong thời kỳ cao điểm, nhưng dự án Nhà máy đạm Ninh Bình mỗi ngày vẫn có hàng nghìn công nhân lao động tại công trường, và gần 800 trong số đó là những công nhân Trung Quốc. Giám đốc nhà thầu Trung Quốc cho biết, họ phải đưa công nhân sang, vì chất lượng công nhân Việt Nam chưa đủ để đáp ứng khối lượng lớn yêu cầu công việc tại đây.
Ông Trương Quân, Giám đốc Ban QLDA nhà thầu EPC, Công ty công trình Hoàn Cầu (Trung Quốc): “Qua thực tế xét tuyển, công nhân Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 30% khối lượng công việc ở đây thôi”.
Nhưng những công nhân Việt Nam thì khẳng định, họ có thể làm tốt hơn thế!. Anh Lưu Tuấn Thọ, Thợ lắp, Công trình Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình: “Nói trình độ là không phải, mà ở đây là khối lượng công việc người ta chỉ thiếu khoảng 30% thì người ta tuyển thêm mình vào. Trình độ thợ hàn còn tốt hơn thợ Trung Quốc là khác, chất lượng mối hàn chắc hơn. Họ còn theo học chúng tôi”.
Như vậy, ở đây tồn tại một nghịch lý là chủ đầu tư Việt Nam, nhưng lại không quyết được số lao động thi công công trình, bỏ qua rất nhiều cơ hội việc làm cho lao động trong nước. Tuy nhiên, khi mà hợp đồng bỏ thầu đã không quy định cụ thể, thì các chủ thầu nước ngoài vẫn có quyền đưa không hạn chế người lao động sang, theo hình thức có tên gọi “thầu trọn gói”.
Ông Trương Quân, Giám đốc Ban QLDA nhà thầu EPC, Công ty công trình Hoàn Cầu (Trung Quốc): “Theo luật pháp Việt Nam thì lao động dưới 3 tháng không cần phải xin giấy phép lao động. Một số trường hợp lao động cần ở lại lâu hơn, thì chúng tôi còn chờ đợi hoàn thiện các thủ tục cấp phép, chứng thực pháp lý, hay khám sức khỏe. Mà các thủ tục này đều mất nhiều thời gian. Hơn nữa, chúng tôi cũng không ngừng luân chuyển lao động từ trong nước sang thay thế”.
Có thể đưa ra nhiều nguyên nhân để ý giải, nhưng thực tế là chính quyền các địa phương đã không làm hết trách nhiệm của mình, khi mà chỉ cần căn cứ theo Luật nhập cư, thì những lao động nước ngoài thuộc diện phải có giấy phép lao động, khi chưa hoàn thiện các thủ tục, sẽ không được phép lao động tại Việt Nam.
Vậy chủ đầu tư Việt Nam đóng vai trò gì trong công tác quản lý lao động trong chính dự án của mình?
Ông Vũ Văn Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình: “Làm công tác tuyển dụng chúng tôi không tuyển dụng, làm công tác trả lương chúng tôi không trả lương, mà chúng tôi chỉ quản lý trên đầu người về hộ khẩu, về trình độ năng lực, về những người có vi phạm pháp luật gì không. Khi tuyển dụng rồi thì chúng tôi cùng nhà thầu đào tạo an toàn. Cộng quản nữa là quản lý cửa ra vào để biết người Việt Nam. Chỉ quản lý như thế thôi”.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình: “Đúng là nhiều lao động Việt Nam có thể đảm đương nhiều công việc trong gói thầu EPC này, thế nhưng do Luật đấu thầu của mình, nhà thầu họ vẫn trúng thầu khi không cần phải liên doanh với các nhà thầu trong nước. Nếu mình đưa ra các chính sách ví dụ các hạng mục công trình làm đường, hệ thống thoát nước, đào đắp với khối lượng lớn, hệ thống băng tải, rồi các bể chứa nước... tức là những công việc mang tính độc lập với gói thầu, rõ ràng những phần việc ấy, các nhà thầu trong nước có điều kiện để thi công”.
Chỉ từ năm 2008 tới nay, số lao động nước ngoài vào Việt Nam đã tăng thêm khoảng 22 nghìn người, từ hơn 52 nghìn lên con số 74 nghìn. Và theo thống kê của Bộ LĐ-TBXH, gần 53% trong số đó chưa được cấp phép.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước