Vì sao ngân hàng quay lưng với DN cá tra?

Gia Hiền-Thứ năm, ngày 10/05/2012 11:30 GMT+7

Khát vốn, đó là vấn đề muôn thuở khi đầu tư vào ngành thủy sản. Giờ đây, ngày càng khó khăn hơn trước sự thắt chặt của các ngân hàng sau khi DN thủy sản Bình An (Bianfishco) công bố nợ 10 ngân hàng và hàng chục hộ nông dân nuôi cá lên đến hơn 1.100 tỷ đồng vào cuối năm 2011.

Năm 2012 sẽ là năm cực kỳ khó khăn với ngành cá tra. (Ảnh: Info)

Sau sự việc Bianfishco, người ta mới giật mình nhận ra một phương thức kinh doanh hết sức rủi ro nhưng đã và đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh thủy sản áp dụng, đó là sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn để đầu tư vào hạ tầng và cả những mục đích khác.
Một hiệu ứng tất yếu của điều này là các ngân hàng lập tức thắt chặt việc quản lý vốn vay, đồng thời tìm nhiều cách để thu hồi vốn từ các công ty thủy sản mà đặc biệt là xuất khẩu cá tra. Việc làm này đã gây khó khăn rất lớn cho ngành chế biến xuất khẩu cá tra trong nước. Thậm chí, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP đang đề xuất một gói cứu trợ khẩn cấp lên tới 2.000 tỷ đồng từ Chính phủ để ngành cá tra vượt khó.
Với 50% số doanh nghiệp thường xuyên phải vay trên 60% vốn hoạt động, ngành chế biến xuất khẩu cá tra lâm vào tình trạng điêu đứng!
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Hiệp hội đang gặp khó khăn trong vấn đề đầu tư cho nuôi trồng và giãn nợ. Hiện nay, áp lực vòng quay vốn của chúng ta quá ngắn, trong khi điều kiện thu hồi vốn của ngân hàng quá nhanh, tạo áp lực giá bán ra thấp”.
Nguồn hàng mạnh, nhiều bạn hàng tin cậy, có cơ sở hạ tầng tốt, chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu, thế nhưng công ty cổ phần XNK thủy sản An Giang (Agifish) vẫn phải thừa nhận, họ đang gặp khó khăn với chính sách tín dụng thắt chặt của các ngân hàng. Kết quả kinh doanh của công ty quý I năm nay đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khát vốn, đó là vấn đề muôn thuở khi đầu tư vào ngành thủy sản và giờ đây càng khó khăn hơn trước sự thắt chặt của các ngân hàng. Theo tính toán của Sở NN&PTNT An Giang, một hecta nuôi cá tra, người nuôi cần khoảng 7 tỷ đồng, tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này không nuôi được cá nếu người nuôi không có nguồn vốn dự trữ, không có mối quan hệ tốt với các đại lý bán thức ăn, thuốc thú y. Đó là với những hộ nông dân nuôi chỉ từ 1-5 ha, còn những doanh nghiệp có trên 100 ha nuôi cá thì chuyện vay được vốn chẳng khác nào “hái sao trên trời”.
Đại diện ngân hàng NN&PTNT cho rằng, bản thân ngành chế biến xuất khẩu cá tra đã và đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, thay vì trách những nguyên tắc tài chính nhằm đảm bảo an toàn vốn của các ngân hàng thì VASEP và các doanh nghiệp thành viên nên tự nhìn lại và khắc phục khẩn cấp những lỗ hổng trong chu trình kinh doanh của mình!
Theo các chuyên gia kinh tế, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh cá tra Việt Nam đã được hưởng lợi từ cả 2 nguồn vốn, đó là vốn chiếm dụng từ nợ gối đầu nguyên liệu trả sau của người nông dân và vốn vay của ngân hàng. Cơn khủng hoảng tạm thời của ngành cá tra Việt Nam hiện nay có nhiều nguyên nhân, nhưng cũng là cơ hội tốt để khắc phục kịp thời những lỗ hổng và tiếp tục phát triển.
Tin liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước