Việt Nam ở đâu trên bản đồ giảm nhẹ rủi ro?

Thuỳ Trang -Thứ ba, ngày 10/05/2011 11:30 GMT+7

Hôm nay(10/5), Hội nghị toàn cầu của LHQ về giảm nhẹ thiên tai sẽ khai mạc tại Geneve (Thuỵ Sĩ). Đây là diễn đàn lớn nhất của LHQ, quy tụ gần 3000 đại biểu từ hơn 170 quốc gia, trong đó có đoàn đại biểu của chính phủ VN.

Nhân hội nghị quan trọng này, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn người đứng đầu cơ quan tổ chức hội nghị, bà Margareta Wahlstrom, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về những nội dung chính sẽ được thảo luận tại hội nghị cũng như đánh giá của LHQ về sự tham gia của Việt Nam.

Xin bà cho biết những nội dung chính trong chương trình nghị sự tại Hội nghị toàn cầu của LHQ về giảm nhẹ thiên tai?

Trọng tâm thảo luận năm nay là hành động từ từng địa phương tại các quốc gia cũng như ở cấp độ các thành phố. Hội nghị sẽ thảo luận việc lồng ghép nội dung giảm nhẹ thiên tai với các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, bởi phần lớn các thảm họa thiên nhiên là do các hiện tượng thời tiết bất thường liên quan đến biến đổi khí hậu.

Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác, như việc tái thiết và phục hồi sau thảm họa. Mục tiêu của hội nghị là nhắc nhở rằng, không ai có thể đơn phương giảm nhẹ các rủi ro, mà chúng ta chỉ có thể làm được điều đó khi chúng ta hợp tác hành động vì một mục tiêu chung.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại hội nghị là việc công bố Báo cáo đánh giá toàn cầu năm 2011 về rủi ro thiên tai. Báo cáo năm nay có điểm gì mới?

Bản báo cáo năm nay có 2 nội dung nổi bật: Thứ nhất là khía cạnh kinh tế học của vấn đề giảm nhẹ thiên tai. Qua nghiên cứu sâu trường hợp của một số quốc gia, báo cáo rút ra rằng, những rủi ro bị tích tụ tại các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế đang tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nội dung lớn thứ hai chính là các cam kết hành động, bởi trong báo cáo lần trước, có những ý kiến cho rằng, báo cáo thì rất hay, nhưng chúng tôi chỉ nêu ra vấn đề chứ chưa nêu được giải pháp. Vậy thì lần này chúng tôi muốn chỉ ra rằng, có rất nhiều những ví dụ cụ thể về những gì các chính phủ trên khắp thế giới đã làm được để giải quyết vấn đề. Nó chứng tỏ đây là lĩnh vực đáng được đầu tư và thế giới cần hành động.

Vậy Việt Nam ở đâu trên bản đồ giảm nhẹ rủi ro toàn cầu?

Trước tiên là, trên bản đồ rủi ro thì Việt Nam ở vị trí rất cao. Các bạn phải chịu nhiều nguy cơ do gió, do nước, do môi trường. Nhưng trên bản đồ giảm nhẹ rủi ro thì các bạn cũng có vị trí cao. Các bạn đã trải qua nhiều thập kỷ dành những nỗ lực rất lớn cho công tác giảm nhẹ rủi ro liên quan đến hệ thống đê điều và thủy lợi, đây là cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng. Các bạn đang tăng cường các nỗ lực này, với một kế hoạch của chính phủ về việc ứng phó với biến đổi khí hậu được đánh giá rất cao.

Tôi rất hy vọng rằng, với những kinh nghiệm các bạn đã có được và những kết quả các bạn đã đạt được, Việt Nam sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, từ đó giảm bớt chi phí hàng năm cho việc khắc phục hậu quả thiên tai. Đây cũng là thông điệp không chỉ dành cho Việt Nam, mà là thông điệp tôi muốn gửi đến tất cả các chính phủ và các cá nhân trên thế giới, chúng ta có cơ hội lựa chọn, vậy thì hãy nắm lấy cơ hội đó.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước