Việt Nam sẽ xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới?

Kha Thoa-Thứ bảy, ngày 21/11/2009 09:40 GMT+7

Ca cao đã được trồng rồi từng bị phá bỏ tại Việt Nam trong khoảng thập niên 80-90 vì không có thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này những biến động của thị trường ca cao thế giới cho thấy, cây ca cao đang có thời cơ tốt và đầy đủ điều kiện để phát triển trở lại và khẳng định vị thế với quốc tế. Đây là những nhận định của nhiều đại biểu tại hội nghị ngành ca cao Việt Nam diễn ra sáng ngày 20/11 tại Đắk Lắk.

Trong vòng 20 năm gần đây, giá ca cao tương đối ổn định so với các loại nông sản khác và hiện nay là hơn 2000 USD/tấn, cao gấp 2 lần cà phê. Trong khi đó, diện tích ca cao của Việt Nam năm 2003 chỉ là 500 ha thì nay đã lên tới 12.000 ha. Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới với diện tích lên tới 80.000 ha và đạt sản lượng trên 100.000 tấn.

Tiến sĩ Tống Khiêm – Chủ tịch Uỷ ban phát triển Ca cao Việt Nam cho biết: "Mục tiêu ca cao Việt Nam là hướng tới chất lượng. Nhiều mặt hàng nông sản khác thì đã phát triển từ rất lâu, nay mới chú ý đến chất lượng nhưng với cây ca cao thì chúng tôi chú trọng đến chất lượng ngay từ đầu".



Chủ tịch hiệp hội ca cao thế giới có mặt tại hội nghị cho biết, hiện lượng ca cao thế giới đạt khoảng 3 triệu tấn, như vậy, cầu vẫn cao hơn cung. Trong khi đó, nhu cầu ca cao thế giới tăng khoảng 3%/năm vì vậy, nếu ca cao Việt Nam đạt được diện quy hoạch thì cũng chỉ đáp ứng được lượng cầu gia tăng này. Việt Nam đang có thời cơ rất tốt để phát triển cây ca cao.

Ông Bill Guyton - Chủ tịch Hiệp hội ca cao thế giới cho biết: "Ngoài yếu tố cầu vượt cung thì cây cao cao Việt nam có nhiều điều kiện để phát triển tốt như khí hậu, đất đai… hạt ca cao Việt Nam lai có chất lượng tốt nên sẽ không lo ngại về thị trường. Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất thuận lợi để phát triển đại trà cây ca cao, cũng như đầu tư chiều sâu cho công nghệ chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu".

Tuy nhiên, vấn đề hạn chế hiện nay là hạt ca cao Việt Nam mới chỉ xuất khẩu thô chứ chưa chế biến tại chỗ. Sau đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam lại phải nhập nguyên liệu ca cao từ nước ngoài. Đặc biệt, hệ thống thu mua ca cao hầu như vẫn chưa được thiết lập khiến việc tiêu thụ sản phẩm của người trồng ca cao vẫn rất khó khăn.

Có đến 92% sản lượng ca cao Việt Nam xuất khẩu dạng hạt khô lên men, còn lại tiêu thụ trong nước ở dạng sản xuất thực phẩm từ ca cao và bán trái tươi để giải khát. Theo Cục Trồng trọt, diện tích ca cao đang cho thu hoạch là 1.600ha, năng suất mới đạt 0,2 tấn/ha, đây vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng của cây ca cao Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước