Cất cánh: Những điều còn mãi trong thời đại số bùng nổ

PV-Chủ nhật, ngày 19/02/2023 10:43 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện của Cất cánh tháng 2 là của sự sáng tạo, của nghệ thuật mang tới giá trị nhân văn, là giáo dục bắt nguồn từ sự thấu cảm.

Công nghệ số đã thay đổi mọi mặt trong đời sống con người, đôi khi là giúp kết nối một cách gần gũi, dễ dàng hơn nhưng bên cạnh đó cũng có những điều mà không một công nghệ số, trí tuệ nhân nào thay thế được, đó là những điều còn mãi với thời gian, bất chấp xã có thay đổi ra sao.

Trong thời gian qua, một chủ đề nóng đã được thảo luận trên các diễn đàn, về công cụ trí tuệ nhân tạo khuấy động cộng đồng số, đó là Chat Gpt. Nó đã trở thành chủ đề được bàn luận trên phương tiện truyền thông, báo chí và mạng xã họi. Nhiều người lo lắng Chat Gpt sẽ lấy mất cơ hội, công việc của con người, từ bác sĩ hay luật sư, lập trình viên hay nhà báo…

Không thể phủ nhận những giá trị mà công nghệ mang lại, và cuộc sống luôn luôn thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Nhưng có những giá trị mà cho dù công nghệ có những bước tiến thế nào, AI ưu việt tới đâu cũng không thể thay thế được, đó là những giá trị cốt lõi, đó là giáo dục, là những giá trị nhân văn, là bản sắc văn hóa, là những xúc cảm thấu hiểu từ trái tim…

Cất cánh tháng 2/2023 mong muốn chia sẻ những câu chuyện về giá trị ấy không thể nào thay thế trong cuộc sống. Đó là câu chuyện của sự sáng tạo, của nghệ thuật mang tới giá trị nhân văn, là giáo dục bắt nguồn từ sự thấu cảm. Đó chính là những giá trị không thể thay thế được, là những giá trị bền vững, còn mãi với thời gian.

Chương trình có sự tham gia của khách mời bình luận là ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT công ty FPT Telecom, cùng với 3 diễn giả: nhà văn trẻ Nguyễn Hiền Trang, Chủ nhiệm Quỹ thiện nguyện Khăn ấm cho em Nguyễn Diệu Linh và GS.TS Lê Anh Vinh - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Nguyễn Hiền Trang bút danh Tô Lệ Trân là đồng tác giả cuốn 1987 và Hà Nội Phố Ngàn Phố. Hiền Trang sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, ông nội là nhà văn Kim Lân, ông ngoại là nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh. Bố mẹ và nhiều người thân trong gia đình của Trang là đều là các họa sĩ, nhạc sĩ tài danh. Bản thân Hiền Trang từng là biên tập viên một tờ báo, truyền thông cho các vở diễn truyền thống và hỗ trợ hoạt động cho các họa sĩ trẻ. Hiện nay, Hiền Trang đang là Giám đốc sáng tạo tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Với Trang, chìa khóa với những người làm sáng tạo và nghệ thuật là suối nguồn cảm xúc trong sâu thẳm mỗi người. Đối mặt với sự phát triển của công nghệ, công việc của Trang sẽ gặp phải những áp lực, thử thách nào?

"Liệu Chat GPT-4 nói riêng hay công nghệ nói chung có thể thay thế con người hoàn toàn hay không? Tôi nghĩ là không" – Nguyễn Hiền Trang chia sẻ - "Có những giá trị luôn còn mãi. Đò là tình cảm giữa con người và con người. Có thể nghe nó sáo rỗng một tí nhưng tôi tin khi nói ra điều đó, nó chạm đến tất cả mọi người".

 Cất cánh: Những điều còn mãi trong thời đại số bùng nổ  - Ảnh 3.

"Tình cảm giá trị nhất là tình cảm gia đình, nó không thể thay thế được bằng bất cứ siêu máy tính nào…" – nhà văn Hiền Trang nói tiếp – "Khi nói điều gì còn mãi thì tôi nghĩ một điểm quan trọng là cảm xúc có được từ những trải nghiệm, vì trải nghiệm của mỗi người khác nhau, những ấn tượng, cảm xúc cũng khác nhau, không phải câu chuyện tập hợp nhiều dữ liệu vào và xuất nó ra thành một tác phẩm. Đâu đó thì điều ấy cũng ở mức độ là được, còn để chạm thì cần nhiều hơn như thế".

"Tôi tin rằng việc phát triển của công nghệ, AI hay bất kỳ siêu máy tính nào là điều không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là tâm thế chúng ta đối diện như thế nào. Khi coi đó là việc đương nhiên của sự phát triển thì mình có thể tìm cách  hợp tác, hiểu nó để truyền cho nó cảm xúc, để từ đó những tác phẩm được nâng lên tầm cao mới. Như vậy, tất cả những giá trị tuyệt vời sẽ được cất cánh bay lên từ những suối nguồn cảm xúc ấy", Hiền Trang kết lại.

Công nghệ phát triển đã xóa nhòa khoảng cách, giúp thầy cô giáo có nhiều thuận lợi trong việc truyền tải kiến thức. Trong dịch COVID-19, các lớp học online đã thể hiện rõ vai trò của mình.

Sự xuất hiện của Chat GPT – một sản phẩm nhân tạo hỗ trợ việc tạo ra những cuộc trò chuyện tự động, trả lời câu hỏi về đa dạng chủ đề, lĩnh vực khác nhau, được đặc biệt chú ý trong thời gian gần đây. Nó đặt ra một câu hỏi thầy cô giáo và các học trò cần thay đổi như thế nào trong bối cảnh phát triển công nghệ số hiện nay.

Chia sẻ về điều này, GS.TS Lê Anh Vinh cho hay công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp công việc của các giáo viên thuận lợi hơn trong công việc như soạn giáo án, gợi ý tình huống giảng dạy… Nhưng cũng có những lo ngại xung quanh công nghệ này như liệu nó có thể thay thế các thầy cô?

"Chat GPT không thể thay thế vai trò của các thầy cô" – GS.TS Lê Anh Vinh khẳng định – "Chuẩn bị bài giảng cũng như nấu ăn. Công nghệ giúp chúng ta có những thực đơn phong phú, với thời gian ít hơn. Nhưng người trực tiếp chế biến, nấu ăn và đưa món ăn đến học sinh, làm học sinh cảm thấy yêu thích thì chính là người thầy, người cô. Tôi cũng mong các thầy cô cũng hướng tới mục tiêu như vậy, chứ không đơn thuần là các suất ăn công nghiệp, thừa chất và thiếu dinh dưỡng quan trọng đến những đứa trẻ".

 Cất cánh: Những điều còn mãi trong thời đại số bùng nổ  - Ảnh 5.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, những kinh nghiệm có trong 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tạo ra một niềm tin rất lớn rằng các thầy cô hoàn toàn có thể bắt kịp sự thay đổi của công nghệ. "Chỉ cần các thầy cô phải làm thì chắc chắn các thầy cô làm được", GS.TS Lê Anh Vinh nói.

Đối với học sinh, trí tuệ nhân tạo giúp các em có thể cá nhân hóa lộ trình học tập và không gặp giới hạn về kiến thức nào. Bên cạnh đó, có những lo ngại rằng công nghệ phát triển sẽ khiến học sinh ỷ lại, suy nghĩ máy móc, mất đi tư duy phản biện với các vấn đề mới, hay sử dụng các kiến thức từ trí tuệ nhân tạo để gian lận trong thi cử.

"Nhìn trực diện, những bài văn mẫu, những cảm xúc dập khuôn, vấn đề không trung thực trong thi cử vốn đã tồn tại, đã được nói trước khi có công nghệ. Nó không phải lỗi của công nghệ mà nằm ở chỗ chúng ta dạy thế nào, học sinh học ra sao", GS.TS Lê Anh Vinh cho biết.

"Điều quan trọng nhất với các học sinh là sự quan tâm của các thầy cô. Tôi tin mỗi chúng ta nhớ về mái trường, thầy cô thì không nhớ lắm đâu nhưng tình cảm của các thầy cô thì không bao giờ quên. Tôi tin những điều là tình cảm giữa con người và con người sẽ còn mãi trong tất cả lĩnh vực đời sống, đặc biệt trong giáo dục. Công nghệ sinh ra chỉ để giúp việc học hiệu quả hơn và bớt, giành nhiều thời gian tương tác với nhau hơn".

Tháng 5/2022, 10000 cây tre Mạy Khao Lam đã được gửi cho những khu rừng trên địa bàn xã Púng Luông, Mù Cang Chải, Yên Bái. Đây là một trong những hoạt động thiện nguyện do nhóm Thanh âm xanh thực hiện. Những cây tre này được giao cho người dân chăm sóc, bảo vệ. Ngoài trồng tre, những người trẻ Thanh âm xanh còn mang âm nhạc về với rừng, về với những đứa trẻ vùng cao.

Nguyễn Diệu Linh – Người sáng lập dự án Thanh âm xanh – đã chia sẻ về hành trình đưa dự án này đến với cộng đồng. Lựa chọn tre là loại cây trồng, Thanh Âm Xanh - Âm nhạc dẫn lối rừng Xanh không chỉ kể câu chuyện của mình bằng âm nhạc mà còn đưa ra các mô hình để thúc đẩy hành trình nhanh và hiệu quả, là cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng cùng chung tay đóng góp trách nhiệm xã hội…

Với mỗi hoạt động của dự án, dự án Thanh âm xanh luôn đem âm nhạc đi cùng. Nhóm nhạc Thanh Âm Xanh được ra đời với sự thành lập của giám đốc âm nhạc của dự án nghệ sỹ Phan Thủy cùng những nghệ sỹ yêu âm nhạc truyền thống thực hiện.  

 Cất cánh: Những điều còn mãi trong thời đại số bùng nổ  - Ảnh 7.

Nguyễn Diệu Linh – Người sáng lập dự án Thanh âm xanh

"Trên hành trình này, chúng tôi hiểu công nghệ đã giúp thông tin được lan tỏa, chúng tôi nhận được sự góp sức rất lớn từ những người bạn trên mọi miền tổ quốc" – Nguyễn Diệu Linh bộc bạch – "Công nghệ giúp chúng ta giải quyết những áp lực trong cuộc sống, để chúng ta có thêm thời gian kết nối với chính bản thân mình, với người thân và với tự nhiên. Khi con người được kết nối với con người, chúng tôi tin rằng khi một triệu cây tre đã được trồng thì 99 triệu cây còn lại sẽ được trồng theo cách thức riêng của nó".

Không thể phủ nhận những giá trị mà công nghệ mang lại, và cuộc sống luôn luôn thay đổi theo sự phát triển của công nghệ. Nhưng có những giá trị mà cho dù công nghệ có những bước tiến thế nào, AI ưu việt tới đâu cũng không thể thay thế được.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước