Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về công nghệ, tác động mạnh mẽ đến toàn thể cơ cấu nền kinh tế trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, con người sẽ vận động ra sao trong một nền kinh tế số, giữa dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra từng ngày. Tạp chí kinh tế cuối năm sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi này.
"Chuyển động 4.0" trong một nền kinh tế thông minh
Trở lại sau hai năm, Tạp chí kinh tế cuối năm sẽ tiếp tục là một trong những chương trình lớn nhất và quan trọng nhất của Trung tâm Tin tức VTV24 trong năm. Lấy chủ đề chính là "Chuyển động 4.0", chương trình năm nay sẽ đưa khán giả đến với những điểm nhấn và xu hướng trong đời sống sinh hoạt của con người và rộng hơn là cả nền kinh tế toàn cầu, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nói về chương trình năm nay, nhà báo Trần Việt – Phó Giám đốc VTV24, người chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ chương trình cho biết: "Sau rất nhiều cân nhắc, chúng tôi quyết định chọn ý tưởng từ cuộc cách mạng khoa học 4.0 làm chủ đề xuyên suốt Tạp chí kinh tế cuối năm. Đó không chỉ là câu chuyện nổi bật, có sức ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống, được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua, mà còn là một xu hướng toàn cầu. Quan trọng nhất là nền kinh tế Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của của cuộc cách mạng 4.0, với quá trình vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên những ứng dụng công nghệ số".
Chủ đề chính của chương trình sẽ được thể hiện dưới bốn câu chuyện đầy hấp dẫn, thể hiện đúng xu hướng của thời đại: Big Data (Dữ liệu lớn) – thuật ngữ dùng để chỉ tập hợp dữ liệu rất lớn, được ví như "dầu mỏ" của kỉ nguyên số, là nguyên liệu, đầu vào cho các doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện tại và tương lai; Kinh tế chia sẻ - mô hình thị trường dựa trên chia sẻ quyền truy cập vào hàng hóa và dịch vụ thông qua các dịch vụ trực tuyến; Tiền ảo Bitcoin – loại tiền mã hóa đang làm mưa làm gió trên thị trường tài chính với nhiều tranh cãi và nhiều chính sách điều chỉnh khác nhau ở các quốc gia; và robot - một sản phẩm trí tuệ nhân tạo đang mở ra một kỉ nguyên mới cho lĩnh vực tự động hóa.
Những nhân vật đặc biệt
Nhà báo Trần Việt tiết lộ, một trong những điểm nhấn của chương trình năm nay là cách kể chuyện mới lạ, được thể hiện dưới sự hỗ trợ của hiệu ứng ánh sáng và kĩ thuật đồ họa 3D tiên tiến nhất. Trong những câu chuyện về kinh tế, khán giả sẽ được quay trở lại bối cảnh quen thuộc trong bộ phim yêu thích – Người phán xử. Bitman, người đàn ông ẩn danh trong phần Bitcoin, sẽ được chương trình đưa ra để "phán xử".
Ngoài ra, sân khấu chương trình sẽ được thiết kế giống như một võ đài boxing với những võ sĩ thi đấu thực sự để chuyển tải những câu chuyện thú vị nhất đến khán giả. Người xem cũng có thế bắt gặp một đoàn quân robot trên trường quay với những tương tác thông minh với khán giả. Đặc biệt, trong bốn câu chuyện chính của chương trình, ngoài bốn biên tập viên dẫn dắt chính, sẽ xuất hiện thêm một nhân vật ảo trong thế giới số trên trường quay. Đó là Mr Share ở phần Kinh tế chia sẻ, một nhân vật nhân cách hóa; hay nhân vật giống hệt với người dẫn trong phần Big Data. Đó chính là phiên bản số của người dẫn, ra đời từ các tương tác trên các thiết bị công nghệ thường ngày, có thể phác họa nên một nhân vật tiêu dùng đến mức chi tiết.
Bốn biên tập viên đảm nhận dẫn dắt chương trình năm nay là Hoài Linh, Việt Hoàng, Minh Long và Như Anh cũng đồng thời là những người trực tiếp xây dựng nên chương trình. Đặc biệt, bên cạnh họ sẽ có một MC chính khác, một "người dẫn" xuyên suốt chương trình - đó là một chú robot có thật đang tồn tại ngay tại Hà Nội.
Những chuyện sau ống kính
Để đem đến cho khán giả những câu chuyện chân thực nhất về cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất trong lịch sử loài người, nhóm sản xuất chương trình đã có nhiều chuyến tác nghiệp đến những quốc gia in đậm dấu chân của cuộc cách mạng số. BTV Minh Long không khỏi hào hứng chia sẻ về những ngày tác nghiệp dưới cái rét thấu xương – 11oC tại Trung Quốc. Mặc dù cả thế giới dồn tâm điểm vào những sàn bitcoin sôi động nhất tại Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc, thế nhưng ít ai biết rằng, điểm nóng nhất đang "đào" ra bitcoin lại là Trung Quốc, quốc gia chiếm đến 80% "trữ lượng" bitcoin của thế giới.
Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư đã không ngần ngại mạnh tay đổ tiền vào hàng chục ngàn máy đào bitcoin chuyên dụng với một niềm tin rằng bitcoin sẽ còn tăng giá hơn nữa và trở thành một tài sản tương lai. Nơi sản xuất bitcoin đơn giản chỉ là những xưởng đặt máy tính, tuy nhiên từ khi nhìn ra mặt trái của bitcoin, chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách kiểm soát chặt chẽ khiến các nhà đầu tư hết sức lo ngại và ngày càng dè dặt với giới truyền thông. Ekip thực hiện đã không thể lường trước được những khó khăn khi tiếp xúc với những nhà sản xuất bitcoin.
Việc "đào" Bitcoin đỏi hỏi tiêu thụ lượng điện khổng lồ, ảnh hưởng đến môi trường và nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, do đó các nhà đầu tư buộc phải chuyển nhà máy đặt máy tính, xưởng đào bitcoin vào rừng sâu, nơi có những hẻm núi hiểm trở, gần vùng thủy điện và rất lạnh giá để hạn chế chi phí tản nhiệt. Đặt chân đến Tứ Xuyên, nhóm thực hiện đã vô cùng khó khăn để lần tìm vị trí của các xưởng sản xuất Bitcoin. Facebook bị chặn, những hạn chế trong ngôn ngữ với người Tạng và mặc dù là nơi đào ra Bitcoin song khi nhắc đến bitcoin, đa số những người dân Trung Quốc đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe đến nó. Ekip chỉ bằng linh cảm phán đoán hướng đi dựa trên những hình ảnh thu được từ Internet. Sau khi may mắn tìm được một mỏ đào Bitcoin, BTV Minh Long cho biết, anh đã bị chủ mỏ từ chối và buộc phải tìm sang mỏ khác. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, ekip đã được phép thâm nhập vào mỏ đào trong một khoảng thời gian hết sức hẹn chế và chỉ được ghi hình bằng máy quay nhỏ handycam.
Ở một chuyến đi khác đến đất nước mặt trời mọc – Nhật Bản, BTV Như Anh đã ghi nhận được nhiều câu chuyện khiến khán giả không khỏi ngạc nhiên về nơi được mệnh danh là: "quốc gia của robot". Mất hơn hai tháng để ekip thuyết phục nhân vật chính của câu chuyện là một cô gái sống chung cùng một con robot như một thành viên trong gia đình. Khi đặt chân đến đây, những câu chuyện về trí tuệ nhân tạo đã vượt quá hình dung của người thực hiện. Tại Nhật, trong 50 năm nữa, dự đoán dân số sẽ giảm chỉ còn một nửa so với hiện tại. Khi dân số đang trở nên già đi, người Nhật buộc phải tạo ra những máy móc thay thế con người. Robot, vì vậy, đã trở thành một thành viên không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản.
Giáo sư Hiroshi Ishiguro của đại học Osaka, một huyền thoại trong ngành công nghiệp robot, đã dành hơn 30 năm nay để nghiên cứu loại trí tuệ nhân tạo này. Ông thậm chí còn sản xuất ra một con robot giống hệt mình, từ nét mặt và có nhiều hành vi cử chỉ giống người thật. BTV Như Anh tiết lộ, những chia sẻ của ông về tương lai của robot chắc chắn sẽ khiến chúng ta thay đổi nhìn nhận về loại hình trí tuệ nhân tạo này: "Trong tương lai, con người buộc phải chia sẻ với robot về mặt dịch vụ, tinh thần và sản xuất kinh tế. Trước kia, khi chưa có điện thoại thông minh, ai ai cũng lo sợ rằng con người sẽ bị chúng thống trị. Thế nhưng, ngày nay điện thoại thông minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và con người vẫn đang phát minh ra những phương tiện công nghệ tiên tiến hơn. Dù phát triển đến mức độ nào, con người sẽ vẫn cưỡi trên làn sóng công nghệ chứ chưa bao giờ công nghệ có thể làm chủ con người".
Tạp chí kinh tế cuối năm là một trong những chương trình thương hiệu của Trung tâm Tin tức VTV24. Tạp chí kinh tế cuối năm – Chuyển động 4.0 sẽ được phát sóng vào 21h00 ngày 17/2/2018 (mùng 2 Tết) trên VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!