"Đường tới trường" và những câu chuyện chưa kể

PV (Ảnh: VTV7)-Thứ ba, ngày 25/10/2016 18:07 GMT+7

Hình ảnh ghi lại trong quá trình thực hiện phim tài liệu "Đường tới trường"

VTV.vn - Đằng sau thành công của Đường tới trường là những vất vả của một ê-kíp - với khát khao kể lại hành trình lấy con chữ của các em nhỏ ở nơi mây giăng kín lối.

Tối 24/10, một trong những Giải thưởng danh giá của ABU Prizes 2016 đã gọi tên Đường tới trường của Trung tâm Sản xuất các Chương trình Giáo dục – VTV7. Bộ phim tài liệu này đã vượt qua hàng trăm tác phẩm tham dự để giành Giải đặc biệt do Ban Giám khảo bình chọn.

Bằng những hình ảnh dung dị, chân thực, phim đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả khi ghi lại quãng đường gập ghềnh dài gần 30km vượt qua rừng sâu, núi cao và sông suối của các em nhỏ học sinh dân tộc miền núi phía Bắc. Và ít ai biết được để có những thước phim đẹp đó, ê-kíp thực hiện cũng đã phải trải qua một hành trình dài và đầy ắp những gian nan. 

Đường tới trường và những câu chuyện chưa kể - Ảnh 1.

Mọi thứ bắt đầu từ tháng 7/2014, khi VTV7 vẫn còn là một dự án trên giấy. Khi đó, nhà báo Nhật Hoa - Giám đốc Trung tâm Sản xuất các chương trình giáo dục VTV7 – đã chia sẻ ý tưởng về một series phim tài liệu ghi lại hành trình đi học của học sinh trên mọi miền Tổ quốc. Tới tháng 3/2015, dự án chính thức được triển khai với một ê-kíp trẻ bao gồm nhà sản xuất Ngô Liên, đạo diễn Nhật Duy, biên tập Hồng Nhung, quay phim Hoàng Trọng, Huỳnh Cường và Nam Dương. Sau khi tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm các nhân vật, những cung đường đẹp và khắc nghiệt nhất Việt Nam, ê-kíp đã dừng chân ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La – một nơi nổi tiếng với những con đường phủ mây trắng xóa.

Trong quá trình khảo sát, ê-kíp thực hiện, trong đó có nhà sản xuất Ngô Liên đã phải đi bộ nhiều chục cây số theo con đường đến trường của các em học sinh dân tộc thiểu số. Trên quãng đường rừng dài hơn 28km, ê-kíp phải thay nhau mang vác toàn bộ thiết bị quay để đến gặp những nhân vật đã được chọn. Có những đoạn đường tuy đi bằng xe máy nhưng cũng khá khó khăn trong việc di chuyển bởi bùn lầy và dốc trơn trượt. Đạo diễn Nhật Duy chia sẻ dù huy động thêm được xe máy nhưng ngay cả những người bản địa cũng không dám nhận lời đi xe trên quãng đường đó vì quá hiểm trở. Tuy nhiên, những khó khăn này không thể làm nản lòng ê-kíp của Đường tới trường – những người mong mỏi mang đến thước phim chân thực nhất về hành trình đến lớp của các em nhỏ miền núi. 

Đường tới trường và những câu chuyện chưa kể - Ảnh 2.

 Nhà sản xuất Ngô Liên cho biết để khảo sát cung đường và làm quen với nhân vật, cô và một BTV đã theo chân các em học sinh từ trường về nhà. Sau 6 – 7km lên dốc xuống dốc, cả hai đuối dần trong khi các em học sinh vẫn băng băng trên đường, lúc thì chạy nhảy nô đùa, lúc lại cùng nhau thưởng thức gói cơm nắm ăn kèm măng muối một cách ngon lành. "Chúng tôi được trang bị giày dép bảo hộ rất chuyên nghiệp nhưng mấy em học sinh lớp 6, lớp 7 chỉ đi những đôi dép nhựa mòn vẹt cũ kĩ. Các em vừa đi vừa đợi chúng tôi, cứ nói chuyện cười đùa râm ran núi rừng không hề mệt mỏi. Trên đường đi, các em thường xuyên hỏi thăm chúng tôi mệt không và kiên trì chờ đợi khi chúng tôi bị tụt lại.", cô bồi hồi nhớ lại.

Dù vậy, không phải địa hình hiểm trở, thử thách lớn nhất đối với ê-kíp lại chính là nhân vật bởi họ thiếu thời gian làm quen và tiếp xúc trước với các em nhỏ cùng với những trở ngại về rào cản ngôn ngữ. Làm thế nào để phản ánh rõ nét nhất bối cảnh nơi các em đang sinh sống, làm thế nào để các em mở lòng và kể câu chuyện của bản thân một các giản dị và tự nhiên nhất – đó chính là những câu hỏi mà ê-kíp đau đầu trăn trở. 

Đường tới trường và những câu chuyện chưa kể - Ảnh 3.

Đoàn làm phim sử dụng flycam để ghi lại những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp từ trên cao

 "Điều tôi cần làm là tạo ra một không gian của nhân vật và khiến nhân vật quên đi sự xuất hiện của mình dù ở trong hoàn cảnh nào. Điều này thường mất một khoảng thời gian rất lớn, nhất là với bản tính nhút nhát của các em bé người dân tộc. Chính vì thế, chúng tôi dành nhiều thời gian trò chuyện với các em để lấy được lời kể tự nhiên nhất của nhân vật trong khi máy quay vẫn chạy trong tất cả mọi thời điểm" – đạo diễn Nhật Duy nói thêm - "Tôi muốn một bộ phim với lời kể giản dị như một lời dẫn chuyện chứ không sử dụng bất kì một lời phỏng vấn nào. Và có thể, cho đến thời điểm này, cách đó đã thực sự mang lại hiệu quả cho bộ phim".

Chia sẻ về Đường tới trường, nhà báo Nhật Hoa đã nói thay vì sự thương cảm khi nhắc đến những gian khổ, khó khăn, VTV7 muốn cho khán giả thấy việc lấy con chữ của các em đầy ắp những đam mê, khát vọng. Đó là nghị lực và là niềm vui khi được cắp sách đến trường. 

Đường tới trường và những câu chuyện chưa kể - Ảnh 4.

 "Hành trình đó, mặc dù nhiều khó khăn gian khổ, nhưng rất đẹp. Những em học sinh bé nhỏ với những kỹ năng được rèn luyện qua môi trường, hoàn cảnh sống, đã vượt qua những điều kiện khắc nghiệt, vượt núi băng rừng, để đến trường. Chúng tôi mong muốn bắt đầu Kênh truyền hình giáo dục VTV7 với những hình ảnh đầy cảm hứng về hành trình đến trường của những em học sinh đó – những đứa trẻ bé nhỏ nhưng mang trong mình ý chí nghị lực rất "Việt Nam" và những kỹ năng sống của công dân toàn cầu", nhà báo Nhật Hoa khẳng định.

'Đường tới trường' đoạt Giải đặc biệt tại ABU Prizes 2016 "Đường tới trường" đoạt Giải đặc biệt tại ABU Prizes 2016

VTV.vn - Phim tài liệu "Đường tới trường" của Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục - VTV7 đã xuất sắc giành Giải đặc biệt của Ban giám khảo.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước