Nhà báo với tình yêu biển đảo

Kim Ngân-Thứ sáu, ngày 21/06/2013 06:50 GMT+7

Để tạo nên những tác phẩm truyền hình được công chúng yêu mến và thực sự mang lại hiệu quả xã hội cao, đòi hỏi người thực hiện phải cố gắng và nỗ lực không ngừng. Đối với ê kíp thực hiện bộ phim tài liệu Ký sự biển đảo cũng không ngoại lệ…

Bộ phim tài liệu Ký sự biển biển đảo do báo Biên phòng và Đài THVN phối hợp sản xuất ngay từ khi phát sóng đã tạo được những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Vừa qua đoàn làm phim đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Ký sự biển đảo với độ dài dài 35 tập, đã được phát trên sóng VTV từ đầu năm 2012.

‘ Phóng viên tác nghiệp sản xuất bộ phim tài liệu "Ký sự biển đảo" (Ảnh: Báo Biên phòng)

Với hàng trăm giờ phát sóng được khán giả chào đón, đây thực sự là niềm vui to lớn của cả ê kíp thực hiện bộ phim. Để hoàn thiện bộ phim này, các anh đã mất 3 năm thực hiện với hơn 50 chuyến công tác tới các vùng biển từ Bắc vào Nam, vượt qua bao khó khăn vất vả. Những hình ảnh chân thực mà các anh ghi lại được đã góp phần xứng đáng củng cố lòng tin yêu của mỗi người vào vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Để tìm hiểu thêm về quá trình tiến hành thực hiện bộ phim Ký sự biển đảo chuyên mục Cửa sổ ngày mới đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Hòa Văn, Tổng biên tập Báo Biên phòng, Giám đốc sản xuất bộ phim tài liệu Ký sự biển đảo.

PV: Thưa Đại tá Nguyễn Hòa Văn, trước “Ký sự biển đảo”, khán giả cả nước đã biết đến “Ký sự biên phòng” với sự rất xúc động và ấn tượng sâu sắc. Vậy ý tưởng làm bộ phim “Ký sự biển đảo” đã đến với ông như thế nào?

Đại tá Nguyễn Hòa Văn: Bộ phim tài liệu Ký sự biên phòng do Ban Văn nghệ Đài THVN phối hợp với Báo Biên phòng thực hiện, khi thực hiện xong Ký sự biên phòng chúng tôi quyết định làm tiếp Ký sự biển đảo.

Sau khi bàn bạc và thống nhất, chúng tôi đã xây dựng lên ý tưởng cũng như đề cương của chương trình. Sau đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã ban hành kế hoạch phối hợp để sản xuất thực hiện Ký sự biển đảo.

PV: 36 tập phim với gần 3 năm để hoàn thiện thực sự khối lượng công việc rất lớn, vậy xin ông cho biết khi tiến hành thực hiện bộ phim có giống như hình dung của ông lúc đầu hay không?

Đại tá Nguyễn Hòa Văn: Bản thân tôi là người nêu ra ý tưởng và người tổ chức sản xuất nhưng chúng tôi cũng rất ngỡ ngàng khi anh em đi quay về và tiến hành dựng nên những tập phim. Trong phim có những kiến thức mà chúng tôi chưa hề biết đến về biển đảo.

Do đó, nhiều chuyện như người canh gác đèn biển, ngư dân kể chuyện về những phong tục tập quán của ngư dân, nhất là vấn đề văn hóa tâm linh… là những điều mà đoàn làm phim không thể biết hết được. Hay chuyện về thông tin nghiên cứu khoa học chúng tôi phải trao đổi với các giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu khoa học về biển.


PV: Trong quá trình thực hiện bộ phim chắc chắn có rất nhiều kỷ niệm?

Đại tá Nguyễn Hòa Văn: Riêng tôi, tôi có một ấn tượng thực sự sâu sắc, đó là sự bồi hồi, xúc động khi tới thăm Trường Sa. Cuộc sống trên đảo không như hình dung của tôi, ở Trường Sa giờ đây đã thay đổi rất nhiều, chúng ta đã xây dựng được một quê hương Trường Sa giàu mạnh.
PV:
Công việc của một Tổng biên tập báo rất bận rộn, việc làm phim tài liệu có làm ảnh hưởng tới công việc của ông hay không?

Đại tá Nguyễn Hòa Văn: Khi xây dựng và đi làm phim, đoàn làm phim cũng rất tâm huyết, với tình yêu biển đảo và tình yêu nghề nghiệp, các đồng nghiệp trong đoàn làm phim đã động viên khuyến khích tôi tham gia. Khi quyết định tham gia, tôi đã phải làm việc hết mình, thức khuya dậy sớm để làm chương trình cho từng chuyến đi. Bên cạnh đó nhiệm vụ Tổng biên tập báo tôi vẫn phải tiến hành bình thường.

PV: Khi bộ phim tài liệu “Ký sự biển đảo” được phát sóng, đoàn làm phim có nhận được nhiều phản hồi từ khán giả cả nước hay không, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Hòa Văn: Tôi cũng thực sự không ngờ 35 tập phim Ký sự biển đảo lại lôi cuốn được một số lượng người xem truyền hình lớn tới như vậy. Lần đầu tiên phát sóng trên kênh VTV1 đã có rất nhiều cơ quan đơn vị và nhân dân cũng đã phản hồi về Báo Biên phòng rằng phim Ký sự biển đảo rất thiết thực, cung cấp cho công chúng truyền hình nhiều kiến thức và kể cả khái niệm về mặt pháp lý.

Ký sự đã biến những kiến thức khô cứng trở nên rất sinh động. Trong đó có những thông điệp mà đoàn làm phim chúng tôi muốn gửi gắm tới công chúng là chúng ta có thể huy động mọi ngành mọi cấp, nhân dân để khai thác, làm giàu đất nước từ biển.

PV: Khi “Ký sự biển đảo” được nhận bằng khen từ Chính phủ là một niềm vui lớn của cả đoàn, với anh là người Tổ chức sản xuất thì có cảm xúc gì đặc biệt hay không?

Đại tá Nguyễn Hòa Văn: Một tác phẩm tập thể, là công lao của rất nhiều anh em trong đoàn làm phim. Tôi cũng thấy thực sự vinh dự đối với sự ghi nhận của cấp trên đối với tình yêu quê hương biển đảo.

PV: Xin cảm ơn Đại tá Nguyễn Hòa Văn, một lần nữa xin chúc mừng ông và đoàn làm phim "Ký sự biển đảo".

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi của phóng viên VTV với Đại tá Nguyễn Hòa Văn về bộ phim tài liệu "Ký sự biển đảo".




TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước