Nguyên nhân tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận Di sản Văn hoá phi vật thể?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 03/12/2016 07:55 GMT+7

VTV.vn - Theo GS Ngô Đức Thịnh, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được kỳ vọng có thể giúp tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên.

Di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" vừa chính thức được UNESCO công nhận là "Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại". Hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được đánh giá là 1 trong 18 hồ sơ có chất lượng tốt nhất, đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí, trong đó có những yếu tố quan trọng như: Được trao truyền, nối tiếp qua nhiều thế hệ; Là di sản chung của nhiều nhóm dân tộc ở Việt Nam với những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tôn thờ các Thánh Mẫu; hồ sơ cho thấy Việt Nam đã tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm tôn trọng các tập tục có tác động đến di sản.

Lý giải nguyên nhân việc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận, GS Ngô Đức Thịnh phân tích: "Đạo Mẫu Việt Nam đã xây dựng hình tượng người mẹ, người phụ nữ Việt Nam đại diện. Ở đây, tôi nhấn mạnh từ đại diện".

"Sự đại diện đầu tiên là cho mẹ - người sinh ra chúng ta. Mẹ cũng là tự nhiên, là môi trường sống xung quanh, có mẹ Trời, mẹ Đất, mẹ Nước và mẹ Rừng núi, nó bao trùm đời sống, bảo vệ và mang đến cho chúng ta điều kiện sống" - GS Ngô Đức Thịnh cho biết - "Đặc biệt, trong bối cảnh điều kiện môi trường tự nhiên đang bị phá hoại nghiêm trọng, một vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có thể đánh thức tâm thức này của người Việt để tạo nên mối quan hệ giữa con người và tự nhiên một cách hài hòa. Đó là giá trị khoa học hiện đại của tín ngưỡng thờ Mẫu".

"Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng là một hình thức thực hành quan trọng nhất. Không có nó thì không có đạo mẫu. Nhưng hầu đồng là gì? Chúng ta cần hiểu rõ đó là một sự nhập hồn nhiều lần các vị thánh của đạo mẫu vào thân xác các ông đồng, bà đồng để cầu mong sức khỏe, tiền tài và phúc lộc. Bản chất của hầu đồng chỉ là hình thức tôn giáo, nhưng khi bị biến tướng nó sẽ trở thành mê tín dị đoan. Điều quan trọng là mục đích người ta hầu đồng vì điều gì", GS Ngô Đức Thịnh nói thêm.

"So với những di sản khác được UNESCO công nhận, thực hành tín ngưỡng đạo Mẫu có sự bùng phát lớn. Bởi lẽ, bản thân nó đã gặp gỡ được với điều kiện của xã hội hiện tại" - "GS. Ngô Đức Thịnh phân tích - "Có hai yếu tố quan trọng giúp đạo Mẫu bùng phát là xã hội đô thị và kinh tế thị trường. Khi gặp hai yếu tố đó thì sau một thời gian bị hạn chế, nó bùng phát rất mạnh".

Như vậy, Việt Nam đã có 10 di sản được UNESCO công nhận gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Nghi lễ Kéo co, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Sự công nhận của UNESCO đã cho thấy giá trị của kho tàng văn hóa dân giân Việt Nam. Tuy nhiên sự công nhận này sẽ kém ý nghĩa hơn nếu ngay trong chính cộng đồng Việt vẫn chưa hiểu, hiểu sai hoặc thực hành sai những nghi lễ tâm linh được toàn thế giới công nhận.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước