Giấy Dó Việt Xưa - Nay: Lưu giữ tinh hoa dân tộc

Minh Đức-Thứ tư, ngày 24/04/2019 21:30 GMT+7

VTV.vn - Trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy Dó của người Việt đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc và cần được lưu giữ.

Hướng đến kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2019), Ngày Quốc tế Lao động 1/5; 65 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ; 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp cùng các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề Dó Việt Xưa - Nay tại đình Kim Ngân (Hoàn Kiếm)

Giấy Dó Việt Xưa - Nay: Lưu giữ tinh hoa dân tộc - Ảnh 1.

Giấy dó được trưng bày tự sự kiện, vừa quen thuộc vừa mới mẻ cho du khách

Giấy Dó Việt Xưa - Nay: Lưu giữ tinh hoa dân tộc - Ảnh 2.

Sự kiện có sự tham gia của các nghệ nhân, thợ thủ công từ làng nghề giấy Dó - Dương Ổ, Bắc Ninh; làng giấy Sắc phong Nghĩa Đô, Hà Nội; tranh dân gian Hàng Trống

Làng nghề thủ công Việt Nam có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, trong đó, Hà Nội có số lượng làng nghề nhiều nhất nước. Các sản phẩm làng nghề có vai trò rất quan trọng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy Dó của người Việt ra đời từ rất lâu và cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội Việt xưa, đặc biệt là in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, và in tranh dân gian. Đặc biệt hơn cả, là chất liệu này còn dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Bởi giấy Dó truyền thống dù mộc mạc, mỏng manh nhưng có tính dai, độ bền, hút ẩm tốt, một tờ giấy Dó trải qua đúng công đoạn, quy trình có thể lưu giữ hàng trăm năm. Đó cũng chính là sự độc đáo, khác biệt của các loại giấy khác. Đa dạng trong cách thức sử dụng, giấy Dó truyền thống thực sự gắn bó với đời sống người Việt xưa, nó chính là chất liệu để lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn năm.

Giấy Dó Việt Xưa - Nay: Lưu giữ tinh hoa dân tộc - Ảnh 3.

Các nghệ nhân trình diễn các công đoạn làm giấy dó

Giấy Dó Việt Xưa - Nay: Lưu giữ tinh hoa dân tộc - Ảnh 4.

Các nghệ nhân trình diễn các công đoạn làm giấy dó

Cùng với Yên Thái (Hà Nội), Suối Cỏ (Hòa Bình), làng Dương Ổ (phường Phong Khê, Tp. Bắc Ninh) là một trong những cái nôi của nghề làm giấy Dó truyền thống và đã cung cấp giấy khắp các tỉnh miền Bắc và trên cả nước.

Ngày nay, sự phát triển của giấy công nghiệp đã phần nào lấn át những trang giấy Dó truyền thống vang bóng một thời. Bên cạnh đó, do chưa được quảng bá rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là trong giới trẻ, giấy Dó truyền thống của Việt Nam chưa thực sự phát huy được hết giá trị trong đời sống hiện nay.

Giấy Dó Việt Xưa - Nay: Lưu giữ tinh hoa dân tộc - Ảnh 5.
Giấy Dó Việt Xưa - Nay: Lưu giữ tinh hoa dân tộc - Ảnh 6.

Các sản phẩm truyền thống làm từ giấy dó được trưng bày tại sự kiện

Trong vài năm trở lại đây giấy Dó truyền thống bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật, dần lấy lại vị thế trong văn hóa truyền thống của người Việt. Thông qua triển lãm và tọa đàm “Dó Việt Xưa - Nay”, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội mong muốn giới thiệu, tôn vinh một nghề truyền thống của cha ông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

phố cổ

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước