Góc nhìn văn hóa: Giữ gìn nét đẹp cúng ông Công, ông Táo

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 14/01/2023 13:04 GMT+7

VTV.vn - Tết đến Xuân về, nhắc câu chuyện ông Công, ông Táo để hiểu hơn về một tập tục đẹp mà người Việt tiến hành mở đầu cho một kỳ đón Tết.

Lễ ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp là ngày mỗi gia đình Việt Nam báo cáo những việc đã làm được, chưa làm được trong năm cũ và gửi gắm ước nguyện vào năm mới. Đây là một ngày lễ rất quan trọng trước Tết Nguyên đán, một phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Dù có bận việc tới mấy, nhưng cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, gia đình Việt nào cũng sắm sửa chỉn chu ngày lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Ngày 23 là ngày Nguyệt kỵ, cũng được coi là ngày kết thúc vòng quay của một năm nên người dân thực hiện nghi lễ tiễn ông Táo về trời để thưa với Ngọc hoàng những chuyện nhỏ to, chuyện vui, chuyện buồn của gia đình mình trong cả năm qua. Một trong những lễ vật không thể thiếu là cá chép. Nguời ta vẫn nói cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa thân thành rồng bay lên trời. Vào những ngày này, nhà nhà lại đi thả cá chép ra những vùng nước rộng. Nghi thức này đã trở thành ứng xử tập thể mà ở đó, những sinh linh nhỏ bé được trả lại sự sống. Nó mang lại ý nghĩa tâm linh khi sự sống được vun trồng, cũng là hành động gìn giữ môi trường, tạo ra nguồn thức ăn nuôi dưỡng môi trường.

"Tiếp cận ở góc độ Phật giáo, khi thả cá chép, nhiều người còn mang đến giá trị tốt đẹp là việc phóng sinh. Những con vật ấy được trở lại với môi trường sống, trở về với thiên nhiên và sinh sôi nảy nở. Đó chính là điều tốt lành. Cuối năm, làm một việc vừa có ý nghĩa về văn hóa vừa thể hiện tâm lành, tính thiện là bản chất làm người, lương thiện và bản chất văn hóa của những người hướng tới giá trị tốt đẹp…" TS. Bùi Hữu Dược – Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ.

Tết đến Xuân về nhắc câu chuyện ông Công, ông Táo để hiểu hơn về một tập tục đẹp mà người Việt tiến hành mở đầu cho một kỳ đón Tết. Ba ông thần Táo gắn với những hình tượng dân gian vô cùng gần gũi nhưng lại mang trong mình truyền thuyết sâu sa và ấm cúng. Thờ thần bếp cũng như tôn thờ lửa, người Việt đã coi trọng một trong những yếu tố kiến tạo và duy trì sự sống. Đó cũng là lý do tục thờ này tồn tại trong suốt nhiều ngàn năm và là nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết của người Việt.

Phong tục tập quán mỗi vùng miền lại khác nhau. Ở miền Nam, người dân không mua cá chép, không thờ áo mũ. Một số nơi có thêm mâm chè, xôi hay mâm trái cây đơn giản. Tại Huế, một vật phẩm không thể thiếu là tượng của tam vị táo quân, mang đậm giá trị văn hóa dân gian. Tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm đủ đầy.

Những ngày Tết Nguyên đán đang đến gần. Mỗi người đều đang cảm nhận Tết ở từng khu chợ, con phố và trong mỗi mái nhà. Sum họp gia đình với những phong vị tốt đẹp ngày Tết, để hương vị Tết luôn được lưu luyến trong tâm thức của mỗi người Việt Nam.

Những điều cần biết về lễ cúng ông Công, ông Táo Những điều cần biết về lễ cúng ông Công, ông Táo

VTV.vn - Những nội dung như cúng vào thời điểm nào, văn khấn ông Công, ông Táo chuẩn nhất... được nhiều người quan tâm vào thời điểm này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước