Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Danh tiếng và trách nhiệm

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 10/08/2023 08:17 GMT+7

VTV.vn - Hơn ai hết, người nổi tiếng phải là những người tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với danh tiếng mà xã hội đã trao cho họ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề xuất quy định người nổi tiếng muốn quảng cáo trên mạng xã hội thì phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm đó. Đề xuất này dành dược nhiều sự quan tâm của dư luận. Thời gian qua, có nhiều nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng nhưng chưa có chế tài để xử phạt thích đáng. Câu chuyện này đã được bàn luận trong chương trình Vấn đề hôm nay lên sóng ngày 10/8, với sự tham gia của luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Tình trạng quảng cáo tràn lan mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội nhưng vấn nạn này vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ cần mở Youtube, Facebook hay Tiktok, khán giả sẽ bắt gặp ngay hình ảnh các nghệ sĩ quảng cáo từ bột làm trắng, kem dưỡng da trị mụn, thuốc tăng cân, giảm cân cho đến thực phẩm hỗ trợ sinh lý… Nhiều người đã vì tin tưởng và hâm mộ mà sử dụng theo họ, rồi kết quả là tiền mất tật mang.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Danh tiếng và trách nhiệm - Ảnh 1.

Trước đây, các nghệ sĩ quảng cáo thông qua hình thức tham gia video với tư cách diễn viên diễn theo kịch bản. Nhưng vài năm gần đây, họ quảng cáo thông qua livestream. Trên tài khoản cá nhân, nghệ sĩ giới thiệu hay quảng bá về một sản phẩm nào đó. Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, trách nghiệm của nghệ sĩ ở hai trường hợp này khác nhau. Khi tham gia quảng cáo với tư cách diễn viên làm theo kịch bản, nghệ sĩ không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hậu quả xảy ra. Còn với trường hợp nghệ sĩ giới thiệu sản phẩm trên tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, cá nhân nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với hành vi quảng cáo của mình. Nếu quảng cáo sai sự thật, họ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

"Đọc nội dung Luật Quảng cáo của chúng ta, tôi thấy nó đáp ứng được yêu cầu chung như luật quảng cáo ở các nước có nền kinh tế thị trường.  Tuy nhiên, ở đây khi có tình huống xảy ra, điều chúng ta cần đặt ra là trách nhiệm pháp lý phát sinh từ luật quảng cáo hay các luật tức, tức là chúng ta có thể sử dụng công cụ pháp lý khác ngoài luật quảng cáo để quy trách nhiệm", ông Nguyễn Tiến Lập chia sẻ.

"Tôi nghĩ chúng ta đã có công cụ đầy đủ rồi, vấn đề là cơ quan chức năng có theo dõi, kiểm soát được không. Nhưng có lẽ đầu tiên đáng trách chính là những người tin vào các nội dung quảng cáo một cách đơn giản và làm theo. Nạn nhân - người tiêu dùng bị gây nhầm lẫn – có quyền khởi kiện và các khuôn khổ pháp lý cho cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, xử phạt, khỏi kiện hay bồi thường thiệt hại đã có rồi", ông Nguyễn Tiến Lập nói tiếp.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Danh tiếng và trách nhiệm - Ảnh 2.

Có những nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo rất nhiều loại, từ thận, khớp đến đái tháo đường, khiến nhiều khán giả bức xúc, không biết đâu là thật, đâu là giả. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng luật Quảng cáo sửa đổi có đề xuất bổ sung một số điều, như quy định người truyền tải quảng cáo có tầm ảnh hưởng khi đăng tải ý kiến cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa dịch vụ trên mạng xã hội thì phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm đó.

Ông Nguyễn Tiến Lập cho biết việc phải công khai sử dụng mặt hàng gì, hay những thông tin trong khuôn khổ cá nhân là xâm phạm quyền riêng tư. "Điều này hơi quá" – ông Nguyễn Tiến Lập khẳng định – "Trong khi chúng ta muốn thực thi luật này thì chúng ta lại vi phạm một luật khác. Trường hợp này chúng ta chỉ cần nghệ sĩ cam kết cung cấp thông tin đúng sự thật về sản phẩm chứ không cần nói đã dùng hay không. Việc nghệ sĩ nói đã dùng sản phẩm hay gây ấn tượng đã dùng sản phẩm thì không phán xét được".

"Tôi nghĩ các nghệ sĩ cần ý thức về trách nhiệm và danh tiếng của mình trong quảng cáo. Điều đó đặc biệt quan trọng. Gần đây, vì một số nghệ sĩ không để ý điều đó nên cần có sự chấn chỉnh. Nhưng để thực hiện việc ấy, tôi nghĩ nên thông qua các đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp sẽ có hiệu quả hơn", ông Nguyễn Tiến Lập cho hay.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  xây dựng quy trình, xử phạt. Theo đó, các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai phạm ngoài xử phạt tài chính thì có thể bị khóa tài khoản mạng xã hội, hạn chế hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó, luật Quảng cáo sửa đổi cũng đang được xây dựng với kỳ vọng lấp đầy các khoảng trống pháp lý, trong đó có nội dung liên quan đến người nổi tiếng. Hơn ai hết, người nổi tiếng phải là những người tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm với danh tiếng mà xã hội đã trao cho họ.

TP Hồ Chí Minh: Giám sát, xử lý nghệ sĩ quảng cáo mỹ phẩm không đúng quy định TP Hồ Chí Minh: Giám sát, xử lý nghệ sĩ quảng cáo mỹ phẩm không đúng quy định

VTV.vn - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Hồ Chí Minh giám sát, xử lý nghệ sĩ, diễn viên quảng cáo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước