"Thầu Chín ở Xiêm" chạm tới trái tim khán giả

Theo MASK Online-Chủ nhật, ngày 01/02/2015 17:08 GMT+7

Poster phim "Thầu Chín ở Xiêm"

Khai thác một giai đoạn hoạt động cách mạng ngắn ngủi của Bác trước năm 1930 ở nước ngoài nhưng hiếm hoi trên màn ảnh, "Thầu Chín ở Xiêm" đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả.

Mùa thu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc lúc đó lấy tên gọi là Thầu Chín từ Châu Âu về  Xiêm (Thái Lan) hoạt động cách mạng, củng cố và mở rộng tổ chức, chuẩn bị cho việc sát nhập 3 tổ chức cộng sản Đảng. Lúc đầu, Người ở bản Đông của Phi Chịt - nơi có rất nhiều người Việt làm ăn sinh sống và được gia đình cụ Đặng Thúc Hứa cùng con trai là Đặng Thái Tuyến, con gái là Đặng Quỳnh Anh (hay còn gọi là O Nho) và con rể là Võ Tùng chở che, giúp sức. Một thời gian sau, người đưa bà con Việt ở bản Đông lên l àng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, thuộc tỉnh Udonthani (phía Đông Bắc Thái Lan).

Mạnh Trường trong vai Thầu Chín khi từ châu Âu về Xiêm

Tại đây, Bác chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhằm làm cho người Xiêm có cảm tình hơn nữa với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam trong đó có kiều bào ta. Mặt khác, Người còn giáo dục Việt kiều tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, vận động mọi người vừa học chữ Xiêm, chữ Việt, nói tiếng Việt. Cùng với việc xây dựng tổ chức, Bác còn dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở đây. Người còn giúp Việt kiều đào giếng lấy nước ăn, vỡ đất làm vườn trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn... Chính vì vậy, Người đã được bà con người Việt, người Xiêm trong làng, trong xã yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc. Khoảng hơn 1 năm sau, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến hoạt động ở vùng khác, nhưng hình ảnh của Thầu Chín đã để lại ấn tượng không bao giờ phai mờ trong lòng bà con Việt kiều.

Hình ảnh sinh hoạt giản dị của Thầu Chín ở Xiêm

Bám sát đến từng chi tiết nhỏ trong quãng thời gian Người hoạt động cách mạng ở Thái Lan, bộ phimThầu Chín ở Xiêm đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả, khiến người xem xúc động với hình ảnh một lãnh tụ cách mạng vô cùng giản dị, gần gũi trong cuộc sống nhưng lại rất mạnh mẽ, kiên dũng trong đấu tranh cách mạng.

Vài nhân vật nhỏ trong phim như O Hoàn - người thầm thương trộm nhớ Thầu Chín hay anh chàng mật thám làm nghề hoạn lợn được hư cấu và tiết chế vừa đủ để làm "mềm" đi truyện phim về lãnh tụ vốn vừa "khó" vừa "khô" đối với cả người làm phim lẫn khán giả.

 

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng hướng dẫn diễn viên trong một cảnh quay

Là bộ phim được Nhà nước đặt hàng nhưng hiếm có phim nào như ê-kíp của Thầu Chín ở Xiêm được đi khảo sát thực địa trên khắp đất Thái hàng tháng trời. Từ năm 2011, đoàn phim gồm nhà sản xuất, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, tác giả kịch bản Đinh Thiên Phúc, quay phim, bối cảnh... đã sang Thái tìm hiểu, khảo sát thực tế, sau đó kịch bản phim mới được hoàn thành và được giải trong trong cuộc vận động sáng tác và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chủ tịch do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động. Và dù tất cả bối cảnh ở Thái đều đã thay đổi và đoàn phim gặp khó khăn khi đúng thời điểm bộ phim được quay cũng là thời điểm bất ổn chính trị đang diễn ra ở Thái Lan nên phần lớn bối cảnh đều được chuyển đến một nơi khác nhưng với sự kỹ càng, cẩn trọng. Một bản Đông hay bản Noọng Ôn, sân bay Bangkok hay bến cảng và những con người được lịch sử ghi danh đã được dựng nên một cách sống động, chân thực. 

Bên cạnh đó, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng rất cẩn trọng trong việc lựa chọn người lồng tiếng, diễn viên nói các ngôn ngữ khác nhau trong phim như Anh, Pháp, Thái, tiếng Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam của người Việt để ngôn ngữ trong phim chân thực và gần gũi hơn.

Điểm thu hút đặc biệt và cũng là để một bộ phim "đặt hàng" phục vụ nhiệm vụ chính trị chạm đến trái tim của khán giả chính là cách lựa chọn diễn viên đóng vai lãnh tụ thoát ra khỏi "lối cũ" mà các phim trước đã làm. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, anh chọn diễn viên Mạnh Trường vào vai Nguyễn Ái Quốc bởi nhìn thấy ở Trường cái thần thái và đôi mắt biết diễn chứ không phải ở ngoại hình giống hay không giống Nguyễn Ái Quốc. Suốt 1 năm trời, đạo diễn vừa nói chuyện vừa động viên Mạnh Trường để anh tự tin vào khả năng diễn xuất của mình. Và chàng người mẫu - diễn viên với phong thái đĩnh đạc, vừa gần gũi vừa thanh cao, đặc biệt là đôi mắt luôn chất chứa một nỗi niềm đau đáu về quê hương đã giúp Mạnh Trường thành công vượt ra khỏi hình ảnh lãnh tụ trên màn ảnh mà các diễn viên trước đó như Tiến Hợi, Trần Lực dày công xây dựng.

Thầu Chín ở Xiêm được chọn mở màn và được công chiếu rộng rãi trên toàn quốc vào đợt phim kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, được khai mạc vào tối 30/1 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia Được biết, sau khi công chiếu trong nước, phim cũng sẽ được đưa sang Thái Lan chiếu, đặc biệt là cho bà con Việt kiều ở Udonthani - mảnh đất lịch sử ghi dấu ấn của Hồ Chủ tịch năm xưa và nay đã là Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều công trình được tái tạo và xây dựng như nơi ở, nơi thờ phụng,  đọc sách, chiếu phim và trưng bày các kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh…

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước