Các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lần này thuộc các loại hình: Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian. Đây sẽ là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, giúp đồng bào có thêm động lực, "biến di sản thành tài sản", vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch...
Trong đó có thể kể đến một số di sản như: Nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp); Hát Trống quân Liêm Thuận (Hà Nam); Múa hát Lải Lèn (Hà Nam); Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (Quảng Ninh); Lễ hội Bổng Điền (Thái Bình); Lễ hội Mường Khô (Thanh Hóa); Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai) - (Kon Tum); Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông (Yên Bái); Vovinam - Việt Võ Đạo (Thành phố Hồ Chí Minh); Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen (Lào Cai); Lễ cúng rừng của người Cờ Lao (Hà Giang); Nghề làm tôm khô (Cà Mau); Hát Kiều (Quảng Bình); Nghề dệt đũi (Thái Bình)...
Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen ở Sa Pa, Lào Cai được công nhân di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh - TTXTDL Lào Cai)
Đại diện UBND huyện Bình Liêu, Quảng Ninh nơi mà hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ vừa được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể cho biết: "Người dân Sán Chỉ đã là một nét rất đặc biệt rồi và Soóng Cọ của người dân nơi đây rất luôn có ý thức bảo tồn, nên khi được công nhân càng giúp cho tất cả mọi người đều có ý thức giữ gìn nét văn hóa đặc sắc này hơn".
Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!