Xuất bản sách Việt ra thế giới: Không chỉ là kinh tế

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 08/08/2023 13:30 GMT+7

VTV.vn - Nhìn nhận đúng tầm quan trọng của ngành xuất bản sách, con đường đưa sách Việt Nam ra thế giới mới thực sự được khai thông và phát triển như kỳ vọng.

Lâu nay, độc giả đã được thấy vô sô sách nước ngoài tràn ngập trên các kệ sách trong nước. Thế nhưng, có một dòng chảy nhỏ bé, lặng lẽ hơn nhưng đóng vai trò quan trọng, đó là xuất khẩu sách Việt ra thế giới. Đây chính là một phần của công nghiệp văn hóa, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trong những năm gần đây, nổi lên những mảng sách được thị trường nước ngoài quan tâm, đó là sách chính trị, đường lối điều hành đất nước, các tác phẩm văn học nổi tiếng, sách về lịch sử văn hóa, phong tục tập quán. Thị trường sách Việt cũng không ngừng được mở rộng.

Theo thống kê, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sách đạt gần 2 triệu USD, trung bình mỗi năm có khoảng 100 đầu sách dịch được xuất khẩu. Sách Việt ra nước ngoài bằng nhiều con đường như bán buôn, bán lẻ, bán qua mạng, với thị trường chủ yếu là Mỹ, các nước châu Âu như Anh, Pháp, Canada, Australia, các nước châu Á, thị trường châu Phi hầu như chưa có. Thị trường Mỹ thu hút số lượng sách lớn vì các đơn vị xuất khẩu được Nhà nước hỗ trợ 50% cước vận chuyển.

Việt Nam – Truyền thống và biến đổi của tác giả Hữu Ngọc là cuốn sách Việt đầu tiên được xuất bản cùng lúc bởi NXB Thế giới của Việt Nam và NXB Đại học Ohio, Mỹ vào cuối năm 2022. Đây có thể được xem là dấu mốc đáng phấn khởi của ngành công nghiệp xuất bản khi độ trễ của xuất bản trong nước và quốc tế ngày càng được rút ngắn. Nhiều cuốn sách Việt đã được thế giới chủ động tìm kiếm, mua bản quyền thông qua sự năng động, nhanh nhạy của các đơn vị làm sách.

Các hội chợ sách lớn trên thế giới hàng năm đã xuất hiện gian hàng sách Việt Nam, như Hội chợ sách quốc tế Flankuk (Đức), Hội chợ sách quốc tế Mỹ Book Expro America, Hội sách London ở Anh… Tuy nhiên, một thực tế là còn nhiều thách thức. Lĩnh vực xuất khẩu sách có hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí là không có lãi vì chi phí cao và nhiều rào cản khác.

Hội Nhà văn Việt Nam từng thành lập Trung tâm dịch thuật cách đây 15 năm với nhiều kỳ vọng, nhưng chỉ tồn tại trên giấy tờ vì không có kinh phí. Những tác phẩm văn học Việt có mặt trên kệ sách nước ngoài chủ yếu do nhà xuất bản tự thân vận động hoặc các tác giả tự bỏ tiền dịch thuật, xuất bản.

"Một vài cá nhân có thể bỏ tiền ra và có mối quan hệ để dịch tác phẩm của mình. Điều đó dẫn tới hệ lụy là khiến người ta hiểu lầm rằng nền văn học Việt Nam chỉ có vậy" – Nhà thơ Hữu Việt – Phó Trưởng ban Đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ - "Chúng ta cần có một tổ chức tập trung, được đầu tư bài bản, tập hợp các chuyên gia tốt nhất để giới thiệu những quyển sách đặc trưng nhất của văn học Việt Nam đến thế giới".

"So với các quốc gia khác, chúng ta không chỉ thiếu về chính sách mà còn thiếu cả tổ chức có vai trò quan trọng trong kết nối, tạo sức mạnh tổng thể để thực hiện thông tin đối ngoại, đặc biệt là thông tin đối ngoại thông qua kênh sách", ông Nguyễn Nguyên – Cục Trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

So với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu chỉ bằng 2%, còn rất nhỏ bé và khiêm tốn. Việt Nam còn thiếu một chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài, điều mà các quốc gia phát triển đã thực hiện từ lâu. Chỉ một vài nhà xuất bản ở Việt Nam hoặc một vài cá nhân tâm huyết chấp nhận bỏ tiền của, công sức để giới thiệu văn hóa Việt thì khó tạo ra hiệu ứng bền bỉ và lâu dài.

Hơn bao giờ hết, văn hóa được coi là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia. Cùng với âm nhạc, điện ảnh, thời trang hay ẩm thực, xuất bản chính là lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa. Đằng sau câu chuyện của sách không chỉ là giá trị kinh tế, của các bản hợp đồng được ký mà còn là hình ảnh, thương hiệu quốc gia, là sự lan tỏa văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới. Nhìn nhận đúng tầm quan trọng này, con đường đưa sách Việt Nam ra thế giới mới thực sự được khai thông và phát triển như kỳ vọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước