Bò biển bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp

Quốc Minh (thoisu@vtv.vn)-Thứ sáu, ngày 12/12/2014 06:00 GMT+7

Bò biển nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ảnh: Báo Kiên Giang

Dugong (Bò biển hay Cá cúi) là loài động vật có vú đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam.

Trong khi đó, theo Sách đỏ thế giới, loài này được xếp vào dạng sắp nguy cấp, với số lượng còn lại không nhiều.

Ở Việt Nam có 2 khu vực phù hợp để bò biển sinh sống là vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và vùng biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Theo ngành chức năng Phú Quốc, những năm qua tuy không còn ngư dân đánh bắt bò biển, nhưng vẫn có rất nhiều bò biển đã chết vì mắc lưới hoặc vô tình bị ngư dân cào được. Theo số liệu công bố của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), vào năm 2003 vùng biển Việt Nam còn khoảng 100 con bò biển, nhưng theo khu bảo tồn thiên nhiên Phú Quốc và những ngư dân địa phương thì đến nay số liệu trên đã không còn chính xác.

Ông Trần Ngọc Công, Ngư dân huyện Phú Quốc - Kiên Giang cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, nàng tiên cá này người ta đánh bằng lưới hoàn (lưới đánh bắt cá mập) mỗi tuần 2-5 con, nhưng bây giờ giảm đi rất nhiều, một năm có khi mới gặp một vài con, tỉ lệ giảm khoảng 80%”.

Thực tế là vậy, nhưng mọi con số vẫn chỉ là ước lượng vì vẫn chưa có một nghiên cứu hay thống kê chính thức nào về loài động vật này. Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng có thảm cỏ biển rộng hơn 16.000ha là nguồn thức ăn cho bò biển. Địa bàn rộng và có nhiều nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia nên việc bảo tồn bò biển - vốn là loài di cư cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi còn thiếu sự phối hợp giữa hai nước thì trước mắt, giải pháp hiệu quả nhất là tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ bò biển. Phú Quốc hiện có 3 tổ cộng đồng và 6 câu lạc bộ về bảo tồn biển trong các trường học.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - Kiên Giang cho biết: “Thời gian qua chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, đặc biệt là đối với những ngư phủ khai thác trên biển không đánh bắt, không xẻ thịt, thậm chí không ăn thịt con này để mọi người hiểu đây là loài quý hiếm, cần được bảo vệ”.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước