Bệnh lý khiến người phụ nữ sáng đi giày bình thường, chiều về chật cứng

Thanh Ba-Thứ ba, ngày 14/03/2023 12:20 GMT+7

ThS.BSCKII Nguyễn Thu Trang đang can thiệp bằng laser cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân. Ảnh: BVCC

VTV.vn - Xuất hiện tức nặng ở chân phải đặc biệt vào cuối ngày, chị Phương phải thay dép lê vào buổi chiều vì giày buổi sáng đã không vừa.

Chị Nguyễn Thị Phương (54 tuổi) làm việc trong một nhà máy sản xuất thực phẩm, đặc thù công việc phải đứng lâu một tư thế. Vài năm gần đây, chị thấy xuất hiện tức nặng chân phải, đặc biệt về cuối ngày chân phù to, buổi sáng chị đi giày vừa thì chiều về đã chật cứng. Buổi tối khi đi ngủ chị hay bị chuột rút, các triệu chứng dai dẳng ảnh hưởng đến giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống.

Gần đây, chị lại xuất hiện thêm các búi ngoằn ngoèo dưới da, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin. Trước đó, dù đã đi khám ở một số bệnh viện và được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới, đã uống thuốc kết hợp đi tất áp lực nhưng vẫn không đỡ. Chị Phương từng tuyệt vọng nghĩ đã phải chung sống với phiền toái từ căn bệnh này đến suốt đời.

Tháng 1/2023, tới khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị Phương được điều trị bằng phương pháp Laser nội mạch và bệnh được giải quyết triệt để. ThS.BSCKII Nguyễn Thu Trang, khoa Tim mạch, sử dụng ống thông có đầu phát tia laser đưa qua da vào lòng tĩnh mạch hiển lớn ở phía cẳng chân, luồn ống trong lòng tĩnh mạch tới quai tĩnh mạch ở phần trên đùi. Sau đó, bác sĩ gây tê và phát tia laser để sinh nhiệt gây xơ hoá thành mạch. Sau can thiệp kết hợp đi tất áp lực khoảng 1 tháng, tĩnh mạch đã được đóng kín hoàn toàn. Tái khám sau 1 tháng, người bệnh không còn cảm giác tức chân, hết chuột rút, không còn các búi giãn tĩnh mạch dưới da, chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Tại khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ThS.BSCKII Nguyễn Thu Trang khi tiếp nhận đã chỉ định cho bệnh nhân siêu âm Doppler mạch máu, loại trừ các nguyên nhân khác. Bác sĩ xác định chị Phương bị suy tĩnh mạch hiển lớn chân phải giai đoạn CEAP III và là nguyên nhân chính gây các triệu chứng khó chịu ở chân.

Bệnh lý khiến người phụ nữ sáng đi giày bình thường, chiều về chật cứng   - Ảnh 1.

Hình ảnh chân người bệnh trước và sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch. Ảnh: BVCC

Vì đã điều trị nội khoa và đi tất áp lực theo đơn của một số bệnh viện trước đó nhưng không đỡ, chị được các bác sĩ tư vấn điều trị triệt để tại BVĐK Tâm Anh bằng phương pháp Laser nội mạch, một phương pháp điều trị hiệu quả bệnh suy tĩnh mạch chi dưới với chi phí phù hợp, thời gian điều trị ngắn, có thể ra viện trong ngày. Ưu điểm của phương pháp này là thủ thuật an toàn, hiệu quả điều trị cao, thời gian điều trị ngắn, chi phí điều trị phù hợp.

Sau khi điều trị thì người bệnh Laser cần đi tất theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi các triệu chứng mà bác sĩ lưu ý để khám lại khi có bất thường. Người bệnh cần tiếp tục duy trì và thực hiện chế độ sinh hoạt của bệnh nhân bệnh lý tĩnh mạch, tránh đứng lâu, ngồi lâu một tư thế, uống đủ nước, kiểm soát cân nặng…

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi giãn tĩnh mạch chân là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra.

Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Lý do nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn nam giới là do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt (như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên... ) và khối lượng cơ thấp so với nam giới hoặc dùng giày không thích hợp. Nhiều dự đoán cho rằng bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của kinh tế và những thay đổi lối sống hiện tại.

Can thiệp điều trị bằng Laser, đốt sóng cao tần (RFA) hoặc keo sinh học được coi là điều trị triệt để vì loại bỏ hoàn toàn tĩnh mạch bị bệnh. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ tái thông tùy thuộc vào kỹ thuật, sự tuân thủ của người bệnh sau điều trị hoặc bệnh nhân có thể bị ở nhánh khác hoặc chân còn lại.

Bác sĩ Thu Trang khuyến cáo việc duy trì một chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, vận động lành mạnh là cần thiết. Khi có triệu chứng bất thường như cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm… cần đi khám sớm để tầm soát ngay.

Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh tiếp tục tiến triển sẽ làm dòng máu động mạch tới nuôi chân cũng bị giảm theo. Thậm chí, những trường hợp nặng hơn các rối loạn tưới máu nuôi dưỡng chân có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành… khiến việc điều trị kéo dài và khó khăn hơn.

20h thứ Ba, ngày 14/3/2023, chương trình tư vấn trực tuyến "Tầm soát phát hiện sớm và điều trị hiệu quả suy giãn tĩnh mạch" sẽ diễn ra nhằm giải đáp những vấn đề liên quan đến bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân.

Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp triển khai chương trình với sự tham gia của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm khoa Tim mạch.

Độc giả có câu hỏi thắc mắc xin gửi ngay tại bài viết!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước