Chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả, bền vững

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 15/12/2023 05:33 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Do vậy, chính chúng ta cần chủ động thay đổi, để bảo vệ chính mình.

Như tin đã đưa, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 28) tại Dubai đã bị phê phán về dự thảo thỏa thuận không có nội dung « "từ bỏ năng lượng hóa thạch" mà chỉ có mục tiêu giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, hội nghị COP28 Dubai đã phải kéo dài thêm 1 ngày so với lịch trình.

Đàm phán đã diễn ra suốt đêm thứ Ba vừa qua, hơn 100 nước đã gây sức ép với nhóm các nước sản xuất dầu lửa trong khối OPEC, để thỏa thuận phải quy định rõ ràng các nước cần từ bỏ ""dần dần"" sử dụng dầu mỏ, khí đốt và than đá. Đến sáng hôm 13/12, nước chủ nhà UAE mới có thông báo chính thức về việc các nước đạt được thỏa thuận.

Thỏa thuận cuối cùng của COP 28 dài 21 trang đã yêu cầu tất cả các quốc gia tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu, bao gồm cả các nước đang phát triển, phải đóng góp vào quá trình chuyển dịch khỏi việc khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Văn bản chính thức như vậy đã nâng yêu cầu đối với các nước đang phát triển lên một cấp độ. Dự thảo ban đầu được đưa ra thì vẫn cho phép các nước đang phát triển tham gia vào quá trình chuyển dịch khỏi các nguồn nhiên liệu hóa thạch này một cách tùy chọn, sao cho phù hợp với trình độ phát triển của mình là được. Nhưng cuối cùng thì thỏa thuận chính thức của COP 28 đã yêu cầu tất cả đều phải công bằng. Thỏa thuận chính thức nay cũng không còn thấy nhắc đến việc các quốc gia phát triển phải đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nữa.

Song yêu cầu dù cao hơn là vậy, nhưng nếu đi vào chi tiết thì thực tế thỏa thuận cũng không quá khắt khe trong lộ trình cắt giảm nhiên liệu hóa thạch của các quốc gia. Thỏa thuận cho phép các quốc gia sử dụng khí đốt như một nguồn năng lượng cần thiết cho quá trình quá độ sang kỷ nguyên năng lượng tái tạo. Đồng thời, việc trợ giá, trợ cấp của các chính phủ cho các nguồn năng lượng hóa thạch là vẫn được phép, trong trường hợp điều đó nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói về năng lượng cho người dân. Ngoài ra, đối với việc tiêu thụ than đá, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, ngôn từ trong thỏa thuận chính thức lại có phần nhẹ nhàng hơn những dự thảo ban đầu. Theo đó, thỏa thuận chính thức chỉ yêu cầu các quốc gia tăng tốc các nỗ lực cắt giảm khai thác, tiêu thụ các nguồn than đá. Trong khi ban đầu, dự thảo định yêu cầu các quốc gia phải "Nhanh chóng giảm dần việc tiêu thụ than và hạn chế tiến hành các dự án điện than mới mà không có công nghệ làm sạch, bảo vệ môi trường. Nói tóm lại thì tại COP 28, yêu cầu đối với vai trò của các nước đang phát triển, như Việt Nam, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã có phần cao hơn trước. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn cho thấy một sự công nhận hoàn cảnh, con đường và cách tiếp cận của mỗi quốc gia trong vẫn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo thì sẽ phải khác nhau.

Kể từ Hội nghị COP26 đến nay, với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai toàn diện hàng loạt biện pháp như: Ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện 8, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, để đảm bảo giảm phát thải carbon và mục tiêu cam kết về trung hòa carbon, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu là sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng, đang ngày càng tăng cao. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt khoảng 9%.

Vì thế, chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả, bền vững được coi là hướng đi duy nhất.

Đa phần các nhà lãnh đạo của các nước đều đánh giá cao COP28 ra được thỏa thuận cuối cùng. Tổng thư ký LHQ hy vọng việc giã từ nhiên liệu hóa thạch sẽ không phải chờ đợi quá lâu. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu coi đây là "bước khởi đầu của kỷ nguyên hậu nhiên liệu hóa thạch"

Rõ ràng, từ tuyên bố đến hành động sẽ còn phải mất thời gian. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, việc giảm dần dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá và khí gas là thách thức lớn, xong đó cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam phát triển nhanh hơn năng lượng tái tạo.

Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Do vậy, chính chúng ta cần chủ động thay đổi, để bảo vệ chính mình.

Chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả, bền vững - Ảnh 1.

Cùng trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này với ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi Khí hậu, Môi trường và Năng lượng, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước