ĐBSCL sắp vào cao điểm xâm nhập mặn: Cần chủ động ứng phó ra sao?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/02/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn -Cuối tuần này, đồng bằng sông Cứu Long bước vào đợt cao điểm xâm nhập mặn mùa khô. Cần chủ động ứng phó ra sao từ phía chính quyền và cả người dân?

Mức độ xâm nhập mặn có thể sâu hơn năm ngoái vài km

Các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào mùa khô. Xâm nhập mặn đã xuất hiện và dự báo từ ngày 18/2, tức là cuối tuần này sẽ bước vào cao điểm.

Theo thông tin từ Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế, hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn giảm lượng xả nước xuống hạ du tới 50% so với thời gian trước làm gia tăng xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL.

Dựa trên cơ sở nguồn nước hiện tại và dự kiến thời gian giảm xả của các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, các chuyên gia dự báo ranh mặn 4 g/l lớn nhất mùa khô năm nay trên sông Cửa Tiểu là 50-55km, Cửa Đại từ 48- 53km, Hàm Luông 70-73km, Cổ Chiên từ 62-65 km, Sông Hậu từ 58-60 km.

ĐBSCL sắp vào cao điểm xâm nhập mặn: Cần chủ động ứng phó ra sao? - Ảnh 1.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của công trình thủy lợi tại các khu vực từ bờ biển vào tới đất liền 30-45km trong khoảng thời gian từ 18/2 đến cuối tháng 3. Các khu vực cách biển từ 45-65 km, việc lấy nước sẽ bị ảnh hưởng trong các kỳ triều cường 18-24/2 và từ 18/3-25/3.

Tại sông Vàm Cỏ Đông, ranh mặn 4 g/l sẽ vào sâu đến 75-80km, Vàm Cỏ Tây từ 75-85 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của công trình thủy lợi trong tháng 3 và tháng 4

Mức độ xâm nhập mặn phần lớn ở các sông sẽ tương đương với năm ngoái. Riêng một số nơi, ranh mặn 4g/l có thể vào sâu hơn vài km. Như ở Long An, mặn có thể vào tới địa phận xã Thạnh Đức và xã Bình Tâm. Ở Bến Tre, ranh mặn sẽ vào đến xã An Hiệp, xã Tân Thiềng. Ở Sóc Trăng vào tới xã An Lạc Tây.

ĐBSCL sắp vào cao điểm xâm nhập mặn: Cần chủ động ứng phó ra sao? - Ảnh 2.

Nhiều giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm nay không cao như các năm 2015-2016 nhưng tương tự các năm 2020-2021, độ mặn 4‰ có thể tiến sâu 50 km vào sông Hậu.

Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân. Lúc này, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó.

Cống Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được đóng theo chu kỳ 2 ngày và mở xả 6 tiếng vào lúc triều thấp. Nhờ vận hành kịp thời, linh hoạt nên vùng sản xuất bên trong không bị ảnh hưởng. Hàng trăm ngàn ha vườn cây ăn trái gồm sầu riêng, bưởi…đảm bảo đủ nước ngọt tưới tiêu và tránh được mặn xâm nhập.

Đến giữa tháng 2 này, ranh mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập sâu 50-55km trên sông Cổ Chiên; 40-45km trên sông Hậu; 55-70km trên sông Vàm Cỏ. Theo nhận định của chuyên gia, xâm nhập mặn năm nay không gay gắt song diễn biến bất thường theo triều và gió Đông Bắc. Phòng ngừa mặn xâm nhập, tỉnh Sóc Trăng đã cho đóng hết các cống theo sông Hậu.

Đề phòng mặn xâm nhập bất ngờ tăng cao, tỉnh Tiền Giang đã triển khai 6 công trình ngăn mặn đảm bảo nước tưới cho hơn 40 ngàn héc ta cây trồng.

Hiện nay, độ mặn trên các sông Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng mạnh hơn so với dự báo. Thế nhưng lượng nước ngọt khá dồi dào do mưa kết thúc trễ cộng với triều cường. Tuy vậy, người dân cũng không nên chủ quan mà cần chủ động tích trữ nước, theo dõi mặn nhằm bảo vệ sản xuất.

Các chuyên gia nhận định: hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến khó lường. Chính vì vậy, lời giải cho bài toán này, đó là thi công nhiều công trình kiểm soát mặn ngọt, phục vụ sinh hoạt và sản xuất bền vững.

ĐBSCL sắp vào cao điểm xâm nhập mặn: Cần chủ động ứng phó ra sao? - Ảnh 3.

Một công trình chống xâm nhập mặn tại Việt Nam

Những năm gần đây, xâm nhập mặn tại Việt Nam là vấn đề ngày càng trở nên cấp bách. Phải ghi nhận rằng chúng ta ngày càng chủ động hơn trong công tác dự báo, cảnh báo. Chẳng hạn mùa khô năm 2020 (thời kỳ hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long), nhờ có thông tin cảnh báo sớm, thiệt hại về nông nghiệp giảm 80%, thiếu nước sinh hoạt giảm 50% so với năm 2016, thời điểm có cùng mức độ khốc liệt.

Năm nay, tuy dự báo xâm nhập mặn không quá gay gắt, nhưng sự chủ động ứng phó thì không bao giờ là thừa. Hơn nữa, xâm nhập mặn bất thường vẫn có thể xảy ra. Song song với việc đẩy mạnh các giải pháp công trình đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian dài, thì nhiều biện pháp ứng phó từ chính quyền và người dân không quá khó để thực hiện, chỉ cần sự tích cực và chủ động.

Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục quản lý công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước