Du lịch sinh thái rừng chưa xứng tiềm năng

Tùng Thư, Quốc Anh-Thứ sáu, ngày 06/10/2023 06:16 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, nguồn thu từ du lịch của 7 vườn quốc gia ở Việt Nam mỗi năm là hơn 300 tỷ đồng, chỉ bằng 1/600 tổng doanh thu du lịch của cả nước.

Nhiều cánh rừng già của Việt Nam như "tiềm năng bị ngủ quên"

Rừng vàng, biển bạc, rừng chỉ thực sự là vàng khi được quản lý, bảo tồn và khai thác các giá trị từ rừng một cách bền vững, đúng quy định. Du lịch sinh thái rừng chính là một hướng đi như vậy, đặc biệt là du lịch trong các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt như vườn quốc gia, rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, đến nay, nhiều cánh rừng già của Việt Nam vẫn được ví như "tiềm năng bị ngủ quên".

Du lịch sinh thái rừng chưa xứng tiềm năng - Ảnh 1.

Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã lần thứ 5 liên tiếp đạt giải thưởng Vườn quốc gia hàng đầu châu Á. Thêm một giải thưởng là thêm một khẳng định cho sức hấp dẫn của du lịch sinh thái Việt.

Thế nhưng, lượng khách mỗi năm của Cúc Phương hiện chỉ khoảng 120.000 lượt, bằng khoảng 1/6 của vườn Doi Inthanon (Thái Lan), đơn vị còn không nằm trong danh sách đề cử.

Du lịch sinh thái rừng chưa xứng tiềm năng - Ảnh 2.

Với kinh nghiệm gần 15 năm tổ chức tour cho khách quốc tế, thực tế trải nghiệm tại các vườn quốc gia Việt Nam, một đơn vị lữ hành đã đưa ra một trong những lý do cần phải có một cái sản phẩm du lịch cụ thể hơn.

Nhiều quốc gia chú trọng việc phát triển các sản phẩm du lịch cụ thể. Đảo Yakushima (Nhật Bản) đã thu hút hơn 300.000 lượt khách/năm bởi những điểm nhấn của cung đường trekking. Một trong số đó chính là cây tuyết tùng cổ thụ Jomon sugi.

Không chỉ là một cái cây nhiều năm tuổi, nó đã được gắn với truyền thuyết của một vị thần. Bài toán thiết kế các tour tuyến như vậy đang là điểm khó với các vườn quốc gia của Việt Nam bởi thiếu kinh phí.

Du lịch sinh thái rừng chưa xứng tiềm năng - Ảnh 3.

Đúng là rừng thì do các vườn quốc gia quản lý nhưng để làm du lịch sinh thái rừng thành công thì không thể chỉ một mình các vườn quốc gia. Chưa kể phải luôn tính đến sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Việc phát triển mà không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng sẽ cần phải được tính toán thận trọng.

Nhận thấy rõ vấn đề này, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó, việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dựa vào rừng đang được coi là một mũi nhọn.

Khám phá rừng nguyên sinh Bidoup Núi Bà

Có diện tích tương đương với quốc đảo Singapore với hàng nghìn loài động thực vật, vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ẩn chứa rất nhiều bí mật như là những rừng rêu.

Ẩm và hơi lành lạnh. Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, Bidoup Núi Bà có hệ động thực vật độc đáo của loại rừng á nhiệt đới. Các loài cây ở đây khá lạ. Những con đường xuyên rừng với không gian rêu phong cho du khách cảm giác đang đi thám hiểm ở một châu lục xa xôi.

Du lịch sinh thái rừng chưa xứng tiềm năng - Ảnh 4.

Ba Jang là tên của cây sồi cao trên 30m. Nó có nghĩa là cao chạm tới trời. Số tuổi của cây tới giờ vẫn chưa thể tính chính xác. Bộ rễ nổi cao cả mét trên mặt đất đầy ấn tượng, đường kính cây cả chục mét cho thấy ít nhất cây cũng hàng trăm năm tuổi.

Du lịch sinh thái rừng chưa xứng tiềm năng - Ảnh 5.

Mỗi tour khám phá rừng già chỉ được phép đi 6 người. Lặng lẽ mà thật bình yên, đủ để du khách lắng nghe và cảm nhận hơi thở của rừng, khám phá bầu không gian trong veo của thiên nhiên.

Nửa ngày, một ngày hay hai ngày, tùy theo mong muốn, du khách sẽ có những cung đường phù hợp để khám phá. Cung đường nào cũng độc đáo, hứa hẹn thật nhiều bất ngờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước