Học sinh tập thể dục ở hành lang, phải nghỉ học luân phiên vì quá tải trường lớp

Phạm Hà, Quang Lâm-Thứ hai, ngày 10/04/2023 18:39 GMT+7

VTV.vn - Năm học mới chưa bắt đầu nhưng câu chuyện trường lớp của Hà Nội đã nóng lên khi năm nay, số học sinh đầu cấp tăng thêm tới 50.970 học sinh.

Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình), vì quá đông học sinh nên mỗi giờ thể dục, chỉ một nửa số em có cơ hội xuống sân trường, còn lại tập thể dục trên hành lang, trong lớp học. Còn tại Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) là trường chuẩn quốc gia nhưng sĩ số còn lâu mới đạt chuẩn bởi theo quy định, một lớp chỉ 35 em, thế nhưng có lớp học lên đến 56 học sinh.

Học sinh tập thể dục ở hành lang, phải nghỉ học luân phiên vì quá tải trường lớp - Ảnh 1.

Khi lớp học vượt gần 20 em, những buổi học trải nghiệm ngoài trời theo yêu cầu của chương trình mới càng khiến các giáo viên lo lắng. Cũng vì quá tải mà Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) buộc phải cho học sinh nghỉ luân phiên.

Năm nay cũng là năm ghi nhận tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập rất thấp, chỉ 55,7%. Còn lại nếu muốn học tiếp phải vào dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề. Các phụ huynh lại phải đôn đáo khắp nơi tìm một cơ hội cho con mình.

Thiếu vắng trường công lập tại các khu đô thị

Tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm dân số cơ học của Thủ đô tăng mạnh. Các khu đô thị với quy mô hàng chục nghìn dân liên tục ''mọc'' lên. Pháp luật quy định khi xây dựng các khu đô thị phải có quy hoạch trường lớp và bàn giao đầy đủ trước khi người dân vào ở. Thế nhưng, rất nhiều dự án chậm trễ hoặc không thực hiện đặc biệt, các trường công lập hầu như không có.

Tại Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, một con đường tự phát mới mở để những đứa trẻ sang học trường gần đó của quận Hà Đông. Người dân biết là không đúng và cũng phải tự bỏ nhiều công của nhưng họ buộc phải làm thế vì con đường chính đi học tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Học sinh tập thể dục ở hành lang, phải nghỉ học luân phiên vì quá tải trường lớp - Ảnh 2.

Theo quy định, khi xây dựng các khu đô thị phải có quy hoạch trường lớp và bàn giao đầy đủ trước khi người dân vào ở, thế nhưng, rất nhiều dự án chậm trễ hoặc không thực hiện.

Khu đô thị Thanh Hà hiện có gần 8.000 người. Dự kiến khi hoàn thiện, toàn bộ dân số ở đây sẽ hơn 32.000 người. Trong quy hoạch, sẽ có 23 trường học từ mầm non đến THPT thế nhưng đến giờ, tuyệt nhiên không có bất cứ một trường công lập nào.

Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai), sau 20 năm hình thành đã có tới 30 tòa chung cư, nhưng đến giờ cũng chưa có bất cứ một trường công lập nào. Tại nhiều khu đô thị lớn của Hà Nội hiện nay, trường công lập không có nhưng lại mọc lên nhiều trường dân lập. Việc này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước nhưng lại dồn gánh nặng chi trả lên người dân.

Mỗi năm Hà Nội tăng dân số cơ học bằng một huyện. Rất nhiều dự án khu đô thị mới vẫn đang tiếp tục mọc lên. Nếu không quyết liệt xây dựng trường học, câu chuyện quá tải sẽ trầm trọng hơn nữa.

Theo quy định, các khu chung cư mới xây không bắt buộc phải có trường công lập nhưng trường công lập thực chất là để đảm bảo công bằng giáo dục cho học sinh. Đại diện Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trước mắt sẽ phải kiên quyết thu hồi những dự án không thực hiện đúng để đầu tư xây dựng trường công lập.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước