Lỗ hổng quản lý xe ghép

Nguyệt Anh-Thứ năm, ngày 16/11/2023 21:37 GMT+7

VTV.vn - "Đánh trúng" nhu cầu, tâm lý hành khách, nên nhiều năm trở lại đây, dịch vụ xe ghép phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nở rộ dịch vụ xe ghép

Xe ghép, xe đi chung - đây là loại hình sử dụng xe ô tô cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải, nhưng lại gom khách, chở khách để thu tiền. Dịch vụ này đón khách tận nơi, trả khách tận nhà bất kể đêm hôm sáng sớm, mà giá cả lại phải chăng. Ở một số tỉnh, thành, số lượng xe ghép có khi lên đến hàng nghìn xe.

Chỉ cần gõ từ khóa "xe ghép", hàng loạt hội nhóm xuất hiện trên mạng xã hội. Đa số các hội nhóm đều công khai, nên không cần tham gia, mọi người vẫn có thể tìm kiếm chuyến đi phù hợp với ngày giờ của mình. Thậm chí người dùng chỉ cần đăng nhu cầu lên các hội nhóm, tự khắc sẽ có người liên lạc lại.

Hiện sẵn số điện thoại, chỉ cần trao đổi cụ thể, hành khách sẽ được đón tận nơi, trả tận nhà. Cứ gọi là có, không bao giờ thiếu xe, anh Tú thường xuyên lựa chọn sử dụng dịch vụ xe ghép mỗi khi muốn đi các tỉnh.

"Đi xe ghép này anh thấy tiện hơn là đi xe khách. Đi xe khách thì phải di chuyển ra bến. Nếu có nhiều hành lý thì cũng lích kích. Còn đi xe ghép người ta đón mình tận nơi thì tiện chứ. Anh hay đi về Nam Định, loanh quanh khoảng 200.000 đồng. Mặc dù cao hơn xe khách nhưng mình tiết kiệm được tiền di chuyển ra bến xe, đắt hơn khoảng 50.000 - 60.000 đồng, anh thấy vẫn chấp nhận được", anh Tú chia sẻ.

Lỗ hổng quản lý xe ghép - Ảnh 1.

Một chiếc xe ghép đón khách tại nhà. (Ảnh: QĐND)

Còn với anh Dũng, làm nghề lái xe công nghệ đã hơn 4 năm, được bạn bè chỉ cho, hiện anh đã chuyển sang "loại hình kinh doanh" lái xe ghép khách.

Cạnh tranh không lành mạnh và trốn thuế

Thông tư 58 của Bộ Công an quy định: Tất cả xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen. Tuy nhiên, tất cả xe đang chạy xe ghép đều là xe cá nhân và họ không đổi sang biển số màu vàng. Bởi như lời chia sẻ của lái xe ghép, vào giờ cao điểm, một số tuyến đường sẽ cấm theo giờ đối với xe biển vàng nên nếu muốn dừng đón trả khách sẽ bất tiện hơn rất nhiều. Chính vì vậy, điều này vừa tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải, vừa gây thất thoát thuế của nhà nước.

Theo quy định pháp luật, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, với một số lượng rất lớn xe ghép đang hoạt động như hiện nay, có thể thấy việc thất thoát thuế là một con số không ít.

Đảm bảo quyền lợi hành khách khi xảy ra rủi ro

Ngoài việc tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, nhà nước thất thu thuế, việc bảo đảm an toàn, quyền lợi cho hành khách cũng còn nhiều vấn đề đáng nói.

Năm 2015, ứng dụng Grab có triển khai dịch vụ Grab Share - dịch vụ đi chung, nhưng sau đó cũng phải dừng lại vì Bộ Giao thông Vận tải không cho phép triển khai dịch vụ này.

Hiện nay, dịch vụ xe ghép tự phát lại nở rộ, chủ yếu trên không gian mạng. Hành khách, lái xe chỉ biết nhau qua mạng xã hội, khi đi xe đường dài rất có thể sẽ xảy ra những rủi ro như trộm cắp, cướp. Thêm vào đó khi xảy ra tai nạn, sẽ không có bất kỳ sự đền bù thiệt hại hay bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm, điều hành khách sẽ được đảm bảo quyền lợi nếu đi xe của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoạt động chính thống. Việc đảm bảo an toàn của các xe khách, taxi cũng được quản lý chặt chẽ hơn.

Theo Thông tư 12 của Bộ Giao thông Vận tải, tất cả các xe khách hoạt động trong các bến xe đều phải được kiểm tra, đảm bảo an toàn, mới cho xe xuất bến.

Không chỉ ở các bến xe, xe taxi của các doanh nghiệp vận tải cũng được kiểm tra kỹ lưỡng. 100% xe taxi của hãng taxi Mai Linh đều được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy chuẩn và được truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ. Nếu có xảy ra vi phạm về tốc độ, tất cả lái xe đều sẽ kịp thời bị chấn chỉnh, nhắc nhở. Bên cạnh đó, nếu có xảy ra rủi ro, quyền lợi của hành khách đi trên xe luôn được đảm bảo.

"Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm bắt buộc đó, chúng tôi phải trích một phần doanh thu từ giá cước để dùng cho việc mua bảo hiểm; có đầy đủ điều khoản liên quan đến việc khi phát sinh rủi ro sẽ được bồi thường. Đối với khách hàng đi trên xe là 150 triệu đồng/vụ. Tại đơn vị, chúng tôi cũng tiến hành mua bảo hiểm vật chất cho 100% với các phương tiện của mình. Trong đó có một phần kinh phí để chi trả cho khách hàng trong trường hợp phát sinh rủi ro", ông Trần Xuân Trung, Phó Giám đốc vận tải taxi Mai Linh, Hà Nội, cho biết.

Có thể thấy, giá vé niêm yết khi đi xe khách của các nhà xe cũng như giá cước của các hãng taxi đều đã bao gồm "bảo hiểm cho hành khách". Điều này hoàn toàn không hề có khi sử dụng dịch vụ xe ghép, người chịu thiệt thòi chính là hành khách.

Không để xe ghép ngoài vòng quản lý

Chưa có bất kỳ con số thống kê chính xác nào về số lượng xe ghép ở các tỉnh, thành, tất cả đều đang hoạt động "chui", hoạt động qua các trang mạng xã hội, không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng.

"Bản thân lái xe không thể biết được hành khách và hành khách cũng không biết lái xe. Vậy thì thông qua ai, thông qua mạng, trang mạng xã hội. Tôi kiến nghị phải xử lý triệt để các cá nhân hay tổ chức sử dụng không gian mạng để kết nối các loại hình thức phương tiện lại, xây dựng giá cước, tổ chức thu tiền của khách hàng và trả tiền cho lái xe.

Doanh nghiệp là đối tượng phải chấp hành theo Nghị định 10 là phải đăng ký kinh doanh vận tải. Tôi đề nghị, những đối tượng này chúng ta sẽ xét về mặt tổng thể. Nếu như số lượng theo số lần vi phạm của các anh nhân với số tiền, để chúng ta quy ra trách nhiệm hình sự cụ thể nhằm xử lý, làm gương, không thể để cho bất kỳ ai sử dụng kinh doanh mà trốn tránh trách nhiệm quản lý của nhà nước. Như vậy mới đảm bảo công bằng. Xử lý tận gốc là xử lý các nhà mạng sử dụng không gian mạng để kinh doanh loại hình này. Bất luận kể cả trang mạng cá nhân hay trang Zalo, Facebook sử dụng các hình ảnh để quảng cáo thì đề nghị các cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực vào cuộc với Bộ Công an để xử lý triệt để thì mới mang lại bình đẳng trong xã hội", ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, đề xuất.

Xe ghép là loại hình mới xuất hiện, mặc dù đang hoạt động "ngoài vòng pháp luật" với cả ưu điểm và không ít mặt trái nhưng đây là dịch vụ xuất phát từ nhu cầu có thật. Bởi vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng phải sớm có giải pháp quản lý đối với loại hình dịch vụ này thông qua các quy định của pháp luật cùng những cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu xử lý nghiêm xe ghép, xe tiện chuyến Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu xử lý nghiêm xe ghép, xe tiện chuyến

VTV.vn - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các địa phương về việc kiểm tra, xử lý xe vận chuyển hành khách, xe ghép, xe tiện chuyến không đăng ký kinh doanh theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước