Phát hiện bệnh tim bẩm sinh ở độ tuổi 50

Trịnh Mai-Thứ tư, ngày 23/08/2023 15:40 GMT+7

Các chuyên gia tư vấn trong chương trình.

VTV.vn - Một số dạng bệnh tim bẩm sinh không bộc lộ triệu chứng điển hình, không dễ phát hiện. Không ít trường hợp phát hiện muộn ở độ tuổi trưởng thành, thậm chí trên 50-70 tuổi.

Thông tin trên được chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến "Bệnh tim bẩm sinh - tầm soát, điều trị từ thai nhi đến người lớn" tối ngày 22/8/2023, do Đài truyền hình Việt Nam và Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp tổ chức. Chương trình có sự tư vấn của các chuyên gia tim mạch đến từ BVĐK Tâm Anh Hà Nội: PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, TS.BS Nguyễn Thị Duyên, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết, những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim có thể xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và tồn tại sau sinh. Cấu trúc tim bị khiếm khuyết dẫn đến các hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng. Bệnh gây ra các triệu chứng khó thở, thở nhanh, bú ít, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ được vài tháng tuổi, các biểu hiện rõ nét hơn như ho thường xuyên, thở khò khè, có triệu chứng viêm phổi. Trẻ có thể chậm phát triển thể chất, da xanh xao, hay vã mồ hôi, chân tay lạnh. Một số trẻ tim bẩm sinh tím dễ quan sát thấy môi, đầu ngón tay và chân chuyển sang tím, tăng dần khi trẻ khóc...

Tuy nhiên, một số dạng bệnh tim bẩm sinh không bộc lộ triệu chứng điển hình, không dễ phát hiện. Không ít trường hợp người bệnh phát hiện muộn ở độ tuổi trưởng thành, thậm chí trên 50-70 tuổi. Các bệnh tim bẩm sinh thường được phát hiện ở người lớn như: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, hẹp eo động mạch chủ…

"Đây là bệnh lý mạn tính phức tạp. Các biến chứng như loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim, đột quỵ, tăng áp động mạch phổi, suy tim có thể tiếp tục phát triển theo thời gian, kể cả khi trẻ đã được điều trị khỏi tim bẩm sinh trước đó. Nhiều trường hợp bệnh nhân từng can thiệp hoặc phẫu thuật tim lúc nhỏ nhưng không tái khám hoặc tự ý bỏ thuốc, khiến bệnh diễn tiến nặng ở tuổi trưởng thành", PGS Yến cho hay.

Phát hiện bệnh tim bẩm sinh ở độ tuổi 50 - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết, nhiều người bệnh tim bẩm sinh phát hiện muộn khi đã ở độ tuổi trưởng thành.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Duyên, hiện y học vẫn chưa xác định cụ thể nguyên nhân gây bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, dị tật tim bẩm sinh có thể là kết quả của sự kết hợp, giao thoa giữa nhiều yếu tố khó kiểm soát như bất thường về di truyền (đột biến gen, nhiễm sắc thể) và những bất lợi về môi trường tử cung.

Nếu bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình bị tim bẩm sinh, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh. Nếu mẹ thường xuyên tiếp xúc với các chất phóng xạ, tia X-quang, hoặc sống trong môi trường độc hại cũng có thể bị nhiễm độc thai kỳ, dẫn đến các dị tật bẩm sinh ở trẻ. Nếu mẹ nhiễm các virus Rubella, Herpes, Cytomegalo… trong 3 tháng đầu; mắc bệnh tiểu đường, lupus ban đỏ hệ thống hoặc sử dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc lá,... trong thời gian mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh. Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc điều trị tim mạch như ức chế men chuyển, chẹn thụ thể, chống đông cũng có thể tác động xấu tới bào thai.

Bác sĩ Duyên cho biết, những khuyết tật tim bẩm sinh có thể được chẩn đoán trong thai kỳ. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu có thể bỏ qua các xét nghiệm, siêu âm tầm soát bệnh hoặc bác sĩ vô tình bỏ qua các dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, nhiều dị tật tim chỉ bộc lộ sau sinh. Trong khi, có nhiều bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp cần điều trị sớm để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thống kê cho thấy, khoảng 10 - 15% trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh cần điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật ngay trong tháng đầu đời. Vì vậy, mẹ bầu cần tầm soát bệnh sớm ngay từ khi mang thai và sau sinh để phát hiện bệnh sớm, từ đó có kế hoạch chăm sóc, theo dõi, điều trị phù hợp, tăng cơ hội sống cho trẻ.

Phát hiện bệnh tim bẩm sinh ở độ tuổi 50 - Ảnh 2.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Duyên, tầm soát bệnh tim bẩm sinh giai đoạn thai kỳ và sau sinh giúp phát hiện các nguy cơ, dị tật tim bất thường ở trẻ.

Siêu âm tim thai là kỹ thuật chẩn đoán tim bẩm sinh có độ đặc hiệu và chính xác cao, thường được thực hiện ở tuần 18-24. Lúc này, tim thai đã phát triển hoàn thiện, xương ức chưa bị cốt hóa, bác sĩ có thể theo dõi chi tiết hoạt động, cấu trúc tim. Sau sinh, trẻ được sàng lọc bệnh tim bẩm sinh bằng cách đo độ bão hòa oxy máu SpO2 qua da trong vòng 24 - 48 tiếng đầu, trước khi xuất viện. Nếu SpO2 dưới 90% hoặc tay và chân bên phải lớn hơn 10% so với bên trái, trẻ sẽ được siêu âm tim để kiểm tra xác định liệu có mắc tim bẩm sinh hay không.

Ngoài các xét nghiệm, trẻ em, người lớn, người cao tuổi được sàng lọc tim bẩm sinh qua các kết quả điện tâm đồ, Xquang tim phổi kết hợp với siêu âm tim. Tại BVĐK Tâm Anh, hệ thống máy siêu âm tim hiện đại, độ phân giải cao giúp bác sĩ quan sát trực diện trái tim. Đặc biệt, kỹ thuật siêu âm tim 3D qua thực quản bằng đầu dò siêu nhỏ (có duy nhất tại BVĐK Tâm Anh) giúp bác sĩ quan sát rõ các cấu trúc bất thường tại tim, từ đó thực hiện các can thiệp phức tạp trong thời gian ngắn với độ chính xác, hiệu quả cao và đảm bảo an toàn.

Giải đáp thắc mắc của khán giả về các phương pháp điều trị tim bẩm sinh, BS.CKI Nguyễn Đức Hưng cho biết, từ trong bào thai, bác sĩ đã có thể can thiệp điều trị tùy từng loại và mức độ bệnh. Chẳng hạn, đưa ống thông vào tim và nong van mạch chủ trong trường hợp hẹp van động mạch chủ nặng; can thiệp lấy dịch màng tim, màng phổi của bào thai trong trường hợp bị tràn dịch; sử dụng thuốc truyền qua bánh nhau hoặc tiêm qua dây rốn điều trị rối loạn nhịp tim thai. Ngoài ra, thế giới còn có thể đặt ống xông qua đường thực quản của thai nhi để tạo nhịp vượt tần số điều trị rối loạn nhịp tim…

Tuy nhiên, điều trị giai đoạn này có những rủi ro nhất định cho mẹ và bé nên việc chỉ định cần cân nhắc, đòi hỏi cơ sở y tế có trang thiết bị máy móc tốt, chuyên gia giàu kinh nghiệm. Điều trị tim bẩm sinh đạt hệ số an toàn cao hơn ở độ tuổi lớn hơn.

Theo bác sĩ Hưng, các kỹ thuật can thiệp mạch máu điều trị bệnh lý tim bẩm sinh ngày nay đang được ứng dụng rộng rãi. Thay vì mổ mở phải cưa xương ức, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng thu nhỏ đi vào lòng mạch máu đến vị trí mạch máu hoặc tim cần xử lý để nong, nẹp, đặt stent, thay van, tái thông mạch máu. Vết chọc với kích thước 2-3mm trên da, ít xâm lấn, đảm bảo tính thẩm mỹ. Người bệnh không cần chạy máy tim phổi nhân tạo tuần hoàn ngoài cơ thể, không gây mê toàn thân, nên giảm mất máu, giảm đau, giảm thiểu nguy cơ biến chứng, rút ngắn thời gian hồi phục.

Phát hiện bệnh tim bẩm sinh ở độ tuổi 50 - Ảnh 3.

BS.CKI Nguyễn Đức Hưng chia sẻ nhiều kỹ thuật can thiệp điều trị tim bẩm sinh ở trẻ em và người lớn.

Nhiều khán giả đặt câu hỏi về việc tập thể dục ở người bệnh tim bẩm sinh, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên tập luyện vừa sức. Thực tế có nhiều bệnh nhân thể trạng khỏe mạnh, hoạt động thể chất bình thường nhưng đã bị suy tim. Vì vậy, người từng điều trị bệnh lý này cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Qua đó, bác sĩ sẽ đánh giá cấu trúc, chức năng tim và đưa ra lời khuyên về mức độ hoạt động phù hợp để bảo vệ cơ tim.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước