Quản lý tiền công đức tại cơ sở tâm linh: Vẫn phải trông chờ sự trung thực

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 28/02/2024 12:26 GMT+7

VTV.vn - Để quản lý, sử dụng hiệu quả tiền công đức thì ngoài việc kiểm tra, vẫn phải trông chờ vào sự trung thực của những người làm nhiệm vụ.

Công đức khi đi lễ chùa hay tới các cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng là một thói quen từ xưa của người dân Việt. Đây là một khoản đóng góp tự nguyện hay như người dân vẫn nói là tùy tâm. Để ghi nhận tấm lòng của người dân và du khách thập phương, nhiều khu di tích đã bố trí công tác tiếp nhận công đức chu đáo, cẩn thận, theo cách sắp xếp riêng của mình.

Nhiều nơi chưa mở tài khoản theo đúng quy định

Tại đền Bà Chúa Kho, cả năm 2023, Khu di tích đã thu được hơn 21,4 tỷ đồng. Trong đó đã chi hết 17,5 tỷ để tu sửa các hạng mục xuống cấp tại đền và mua sắm đèn nhang, trả tiền công cho các thành viên làm nhiệm vụ. Năm nay, để tiếp nhận tiền công đức, Ban quản lý đã bố trí hơn 10 bàn ghi sổ tại nhiều nơi trong đền.

Còn tại đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, hơn một tháng nay, Ban quản lý khu di tích đã mở thêm tài khoản tại ngân hàng để tiếp nhận công đức online. Chỉ chưa đến 10 giây, du khách đã thực hiện xong thao tác.

Quản lý tiền công đức tại cơ sở tâm linh: Vẫn phải trông chờ sự trung thực - Ảnh 1.

Ban quản lý khu di tích đã mở thêm tài khoản tại ngân hàng để tiếp nhận công đức online

Dù bằng hình thức nào, góp tiền công đức không chỉ là một thói quen tốt đẹp để góp phần bảo tồn cho di tích mà với nhiều người, việc làm này cũng là để tích đức cho bản thân mình. Nhưng trước đây, việc quản lý và sử dụng tiền công đức gần như không được công khai, minh bạch. Chỉ đến khi Thông tư 04 của Bộ Tài chính có hiệu lực, kể từ ngày 19/3/2023, công tác này mới được điều chỉnh bởi những quy định có tính pháp lý rõ ràng...

Theo đó, khi tiếp nhận tiền công đức, đơn vị tiếp nhận phải mở một tài khoản ở Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Việc ghi chép, kiểm đếm tổng số tiền đã nhận phải được báo cáo định kỳ. Các khoản tiền tạm thời chưa sử dụng sẽ được gửi vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng.

Dù vậy, hiện vẫn còn có nơi chưa mở tài khoản theo đúng quy định. Vì thế chưa theo kịp xu hướng, trong khi hiện nay, nhiều người có thói quen chuyển khoản để thực hiện công đức online.

Tại đền Bà Chúa Kho, thành phố Bắc Ninh, vì Ban quản lý khu di tích chưa mở tài khoản tại ngân hàng nên việc thực hiện công đức online của du khách vẫn chưa thể thực hiện được.

Quản lý tiền công đức tại cơ sở tâm linh: Vẫn phải trông chờ sự trung thực - Ảnh 2.

Theo truyền thống lâu nay, mọi khoản đóng góp công đức của đền Bà Chúa Kho đều do Hội người cao tuổi phường Vũ Ninh kiểm soát và quản lý thu chi. Vì chưa có sự thống nhất trong toàn thể thành viên của hội nên quy định nhà nước đã đặt ra nhưng cũng đành gác lại bên ngoài cổng đền.

Qua đợt kiểm tra mới đây của UBND thành phố Bắc Ninh cho thấy, việc quản lý tiền công đức tại các cơ sở di tích trên địa bàn đã có báo cáo thu chi rõ ràng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở di tích vẫn chưa tiến hành mở tài khoản để tiếp nhận công đức online, theo như quy định của nhà nước.

Những hộp bánh đầy tiền công đức

Tháng 7/2023 vừa qua, sau khi triển khai thí điểm tại Quảng Ninh đã phát hiện những bất thường trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại một số di tích ở Quảng Ninh như Yên Tử; Chùa Ba Vàng… Bộ Tài chính đã đặt ra những băn khoăn về tính khách quan trong quá trình tự kiểm của các cơ sở tâm linh. Đến cuối tháng 10 năm 2023, phía Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương kiểm tra tiền công đức trên toàn quốc.

Nội dung kiểm tra gồm việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích và hoạt động lễ hội trong năm 2023. Chủ tịch UBND cấp huyện là người chỉ đạo việc kiểm tra, còn Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ gửi báo cáo kết quả cho Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.

Để quản lý, sử dụng hiệu quả tiền công đức thì ngoài việc kiểm tra, vẫn phải trông chờ vào sự trung thực của những người làm nhiệm vụ trong Ban Quản lý.

Những ngày đầu năm, Khu di tích đền ông Hoàng Mười, ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An luôn đông nghẹt du khách thập phương về làm lễ. Trên các ban thờ, từ tiền lẻ đến tiền chẵn với đủ loại mệnh giá được dâng lễ.

Vì lượng du khách về đền ngày càng đông nên khoản tiền công đức dâng lên các ban thờ không hề ít. Chỉ trong một buổi sáng nhóm phóng viên chứng kiến cán bộ Ban quản lý khu di tích nhiều lần đi sắp xếp, thu gom… Nhưng điều khó hiểu là tại thời điểm đó, sau khi thu gom, thay vì đưa ngay vào hòm công đức thì hầu như cán bộ ban quản lý lại mang đi cất ở phía sau ban thờ. Chỉ có một lượng ít tiền lẻ được cầm bỏ vào trong hòm công đức sau đó…

Quản lý tiền công đức tại cơ sở tâm linh: Vẫn phải trông chờ sự trung thực - Ảnh 3.
Quản lý tiền công đức tại cơ sở tâm linh: Vẫn phải trông chờ sự trung thực - Ảnh 4.

Hộp bánh đúc đầy tiền đưa về thẳng phòng bảo vệ rồi cất cẩn thận trên đầu giường

Trong căn phòng bảo vệ, luôn có sẵn một vài vỏ hộp bánh được bóc khéo léo một phía. Tưởng chừng là thứ bỏ đi nhưng với nhân viên Ban quản lý đền thì vỏ hộp bánh lại có một công dụng khác. Chẳng ai nghĩ bên trong hộp bánh mà cán bộ ban quản lý đền cầm trên tay thực chất đang nhét đầy tiền công đức.

Dù quả quyết số tiền cất giấu trong hộp bánh sau đó đã được đưa vào hòm công đức nhưng sau khi xem bằng chứng ghi lại cảnh tượng người này rảo bước đưa hộp bánh đã đúc đầy tiền về thẳng phòng bảo vệ rồi cất cẩn thận trên đầu giường thì lúc này mới chịu thừa nhận hành vi biển thủ tiền công đức của mình.

Với thủ đoạn tinh vi như vậy, ngoài sự việc bị phát hiện tổng số tiền công đức mà nhóm người này lấy được của đền là bao nhiêu thì chỉ họ mới là người biết rõ nhất… Ngay cả khi trực tiếp tham gia cùng quá trình đút tiền vào hộp bánh nhưng đến khi bị phát hiện người này lại đổ lỗi hoàn toàn cho người còn lại.

Cách đây 10 năm trước, cũng tại đền ông Hoàng Mười, một vụ tiêu cực biển thủ tiền công đức với số tiền cực lớn đã bị cơ quan công an phát hiện. Sau lần đó, số tiền công đức mỗi năm được ban quản lý thống kê đã tăng gấp hàng trăm lần so với thời điểm trước.

Đại diện Ban Quản lý Khu Di tích khẳng định, hiện tại, việc quản lý tiền công đức tại đây đã được chặt chẽ hơn, dưới sự theo dõi của tổ giám sát với các thành viên thuộc nhiều ngành khác nhau. Nhưng thực tế, đã đủ sự yên tâm hay chưa thì chưa dám khẳng định. Vì tủ chứa tiền công đức chưa kiểm đếm dù đã được niêm phong nhưng lại để trong căn phòng không hề có camera an ninh.

Gia đình thủ nhang kiểm soát tiền công đức nhưng không đầu tư, tu bổ

Từ tiền lẻ gom thành tiền tỷ, rõ ràng trong bối cảnh các di tích đang cần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo, tiền công đức tài trợ thực sự là nguồn tài chính quan trọng. Chính vì vậy, dù xác định công tác quản lý còn nhiều thách thức, nhưng các địa phương vẫn đang rất nỗ lực để quản lý hiệu quả.

Hòm đựng tiền giọt dầu theo quy định được coi là tiền công đức cần phải thu gom và kiểm đếm chung về một mối. Nhưng tại đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh thì lại khác.

Vì đã có công góp tiền, góp sức để tu bổ khi di tích xuống cấp nên giờ đây, hai gia đình vốn cùng thủ nhang ngôi đền này mong muốn tiếp tục được quản lý khu nội tự để thu toàn bộ tiền lễ trên các cung thờ. Kiến nghị chưa được Ban quản lý khu di tích chấp thuận nên mâu thuẫn đã xảy ra.

Quản lý tiền công đức tại cơ sở tâm linh: Vẫn phải trông chờ sự trung thực - Ảnh 5.

Người đàn ông nhanh tay để nhặt tiền lễ gom về các hòm đã đặt sẵn ở khắp các cung thờ

Thay vì rạch ròi như hiện tại, trước tháng 1 năm nay, tiền công đức tại đền được Ban Quản lý cũ giao khoán cho gia đình thủ nhang với mức thu 2,5 tỷ đồng/năm. Lỗ thì phải chịu. Còn nếu thu lời thì được tùy ý chi.

Trong suốt mười năm qua, dù kiểm soát toàn bộ tiền công đức của du khách thập phương nhưng gia đình thủ nhang không đầu tư, tu bổ gì thêm. Đến nay khu di tích đã dần xuống cấp, không tương xứng với di tích lịch sử quốc gia.

Chỉ trong vòng 1 tháng 5 ngày vừa qua, kể từ khi thay đổi cách thức quản lý, theo báo cáo của địa phương, tổng số tiền công đức thu được tại di tích đã lên đến hơn 3,2 tỷ đồng. Vậy mà 2 gia đình thủ nhang cho biết, đến nay vẫn chưa thu đủ số tiền 13 tỷ đã bỏ ra đầu tư, tu sửa di tích vào thời điểm năm 2015.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước