Rác ngập bãi biển, làng biển biến thành "làng rác"

Quốc Anh-Thứ bảy, ngày 02/03/2024 06:05 GMT+7

VTV.vn - Rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên đang ngập các bãi biển, biến làng biển thành làng rác.

Ô nhiễm từ sản xuất

Số ngày nắng nóng trong năm đang ngày một nhiều hơn. Mực nước biển đang dâng cao hơn. Các thảm họa thiên nhiên ngày càng nhiều và lớn hơn. Trái đất nóng lên và dường như đang phá vỡ sự cân bằng vốn có của tự nhiên.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 18 triệu người, đã và đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; hơn 70% diện tích đất của một số tỉnh thành có thể bị ngập trong vòng 80 năm tới.

Vậy điều gì đang gây ra biến đổi khí hậu? Khí thải hay cụ thể hơn là những loại khí nhà kính đang bao phủ Trái đất, chúng giữ lại nhiệt của mặt trời. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Khí nhà kính xuất phát chủ yếu từ quá trình sản xuất hàng hóa và lương thực thiếu bền vững của con người. Ví dụ như quá trình làm ra bàn ghế, những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, hay việc nuôi gia súc gia cầm, hải sản, tôm, cá chúng ta ăn hàng ngày, nếu không có những giải pháp bền vững, thì đều thải ra môi trường một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lượng lớn khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường và xa hơn là biến đổi khí hậu.

Những thực tế cần phải thay đổi vì sự sống bền vững hơn cho người dân ở các làng nghề nuôi trồng thủy sản.

Làng biển biến thành làng rác

Ở nơi là một trong những thủ phủ nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước tại Phú Yên, rác và mùi của rác đã in hằn trong tâm trí những đứa trẻ từ khi sinh ra. Còn với người lớn, họ đã chấp nhận rác như một phần không mong muốn của cuộc sống này.

Cứ 6h sáng hàng ngày, những chuyến xe chở thức ăn cho tôm hùm, lại tấp nập, hối hả, đồ về dọc bờ biển. Vô số các túi nylon, các bao tải nylon được chuyển xuống thuyền và đưa ra các lồng nuôi ngoài khơi.

Nhà anh Gia (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) nuôi tôm hùm đã hơn chục năm nay. Anh cho biết, nghề này thu nhập tốt, thậm chí khấm khá, nên hầu như hộ nào cũng nuôi. Mỗi sáng, riêng tiền mua các túi thức ăn cho tôm hùm cũng đã vài triệu đồng mỗi hộ. Rác theo con sóng đánh vào cũng ngày một nhiều lên.

Rác ngập bãi biển, làng biển biến thành làng rác - Ảnh 1.

Với người dân ơ nơi là một trong những thủ phủ nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước tại Phú Yên, họ đã chấp nhận rác như một phần không mong muốn của cuộc sống này.

"Một hộ là khoảng 20 - 30 túi, trung bình là như vậy. Sau khi cho ăn xong túi bỏ ra ngoài biển luôn và biển táp vô bờ", anh Nguyễn Thành Gia, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, Phú Yên, cho biết.

"Hành vi xả rác thải ra môi trường vẫn kiên quyết xử lý, nhưng ý thức người dân với khối lượng nhiều quá. Lực lượng mỏng nên không thể nào mà hết được", Đại úy Vũ Lý Huỳnh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Xuân Đài, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, cho hay.

Trên vịnh Xuân Đài hiện nay đang có khoảng hơn 45.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm. Các lồng này đang thải ra lượng rác là bao nhiêu và bao nhiêu được xử lý, bao nhiêu không có lẽ sẽ là con số không bao giờ có thể tính toán được chính xác. Rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản đang ngập các bãi biển, biến bãi biển thành bãi rác, làng biển thành làng rác…

Ô nhiễm nghiêm trọng từ làng nghề công nghiệp

Rác thải từ quá trình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là rác thải nhựa đã khiến chúng ta không còn nhận ra diện mạo của nhiều làng chài ven biển. Chất thải nhựa khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời cả trong không khí và nước sẽ tạo ra khí nhà kính, metan và ethylene.

Đó là ở những làng biển. Còn ở những làng nghề xa biển, môi trường đang ô nhiễm theo một cách khác.

Ở một trong những làng nghề cô đúc nhôm lớn nhất cả nước tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, xỉ nhôm - chất thải nguy hại từ quá trình sản xuất, chất đống lên tới vài trăm nghìn tấn, xâm chiếm chỗ vui chơi của trẻ nhỏ, lấn vào đường đi, tràn tới sát cửa nhà dân, bủa vây cả khu làng.

Từ dưới đất lên trên trời đều ô nhiễm. Cả làng chìm trong khói thải của gần 300 hộ làm nhôm.

"Tôi đi từ Cà Mau tới Hà Giang, đây là ô nhiễm nhất. Khói đây. Các chú thấy khó chịu, chúng tôi quen rồi", ông Nguyễn Trọng Huy, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, chia sẻ.

Nghề cô đúc nhôm đã có ở làng này từ những năm 1970, khi ấy dân làng chỉ đúc nồi, đúc xoong. Theo thời gian, quy mô ngày một lớn, không còn là nồi xoong, mà là làm nguyên liệu nhôm thô cho các nhà máy trong và ngoài nước. Hiếm có làng quê nào lại khá giả như ở đây, nhưng ô nhiễm cũng hiếm nơi nào bằng.

"1/3 nhân dân chúng tôi là kinh tế khá, có nhà nơi khác, có nhà ở khu đô thị. Nghề này đang rất phát triển. Kinh tế phát triển đến 80% là từ nghề nhôm. Vì thế nhân dân húng tôi chưa nghĩ đến chuyển nghề", ông Mẫn Văn Tĩnh, Trưởng thôn Mẫn Xá, Xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, cho biết.

Rác ngập bãi biển, làng biển biến thành làng rác - Ảnh 2.

Cả nước hiện có gần 2.000 làng nghề truyền thống, trong đó gần 80% chưa có hệ thống xử lý rác thải, nước thải, khí thải và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

"Tỉnh, huyện đã phê duyệt đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề và xây dựng khu tập kết xử lý rác thải làng nghề. Hiện nay còn vướng mắc đó là khâu giải phóng mặt bằng", ông Nguyễn Công Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, cho hay.

Vấn đề ở làng nghề Mẫn Xã cũng là câu chuyện chung ở nhiều địa phương trong cả nước. Các làng nghề sản xuất công nghiệp ngày một lớn, trong khi cơ sở hạ tầng hạn hẹp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có gần 2.000 làng nghề truyền thống, trong đó gần 80% chưa có hệ thống xử lý rác thải, nước thải, khí thải và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Nghe tới biến đổi khí hậu hay Trái đất nóng lên với nhiều người có thể thấy xa vời và chưa thực sự ảnh hưởng đến mình. Tuy nhiên gần ngay trước mắt, chính những người dân đang sống và mưu sinh tại các làng nghề này đang phải chịu hậu quả và trả giá bằng chính sức khỏe của bản thân.

Làm sao để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là thách thức không nhỏ trong nội tại nền kinh tế. Việt Nam, một nước đang phát triển, dù nguồn lực trong nước còn hạn hẹp, nhưng để bảo vệ ngôi nhà chung của thế giới, chúng ta đang hành động để thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường. Đây thực tế cũng là xu hướng không thể đảo ngược, bởi ở nhiều thị trường lớn, các tiêu chuẩn, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu vào đang ngày càng nhiều lên.

Muốn tiến ra biển lớn, không có con đường nào khác là phải thay đổi chính mình. Khái niệm phát triển bền vững hiện đang là mục tiêu chung mà tất cả phải cùng hướng tới.

Hà Nội: Rác tràn lan, đốt lộ thiên tại Lai Xá (huyện Hoài Đức) Hà Nội: Rác tràn lan, đốt lộ thiên tại Lai Xá (huyện Hoài Đức)

VTV.vn - Nhiều tháng nay, người dân thôn Lai Xá (xã Kim Chung- huyện Hoài Đức – TP Hà Nội) phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường nặng nề bởi các bãi rác bỗng nhiên xuất hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước