Tái tạo rừng lim tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng

Huỳnh Đăng-Thứ hai, ngày 06/02/2023 08:32 GMT+7

Nhân viên Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng chăm sóc từng cây lim. Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh

VTV.vn - Việc trồng những rừng lim ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng hàm chứa những nội dung sâu sắc về văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nói về khu di tích chiến thắng Bạch Đằng (TX Quảng Yên), nhất là hai cây lim Giếng Rừng, ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, cho biết: Những địa danh liên quan đến "rừng" còn tồn tại đến ngày nay như: Giếng Rừng, bến đò Rừng, chợ Rừng, phà Rừng, sông Rừng... chứng tỏ rằng nơi đây xưa từng có những cánh rừng che phủ rất lớn. Và không loại trừ trong số đó có cả những rừng lim mà cha ông ta đã tận dụng làm vật liệu để đóng cọc xuống sông tạo thế trận đánh giặc. Những bằng chứng khảo cổ học và phân tích hiện vật tại một số hố khai quật cho thấy, cọc gỗ cắm xuống sông Bạch Đằng xưa phần lớn là gỗ lim. Trải qua hàng trăm năm lịch sử cắm xuống dòng Bạch Đằng vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Có quan điểm cho rằng hai cây lim Giếng Rừng ở kề bên sông Bạch Đằng lịch sử chính là loài cây dùng để cắm cọc năm xưa. Hai cây lim hiện là điểm di tích quan trọng trong cụm di tích lịch sử - văn hóa chiến thắng Bạch Đằng và được cho là hai cây lim còn sót lại từ cánh rừng lim cổ thụ thời nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông năm 1288. Hai cây lim Giếng Rừng vừa có giá trị lớn về mặt lịch sử vừa có giá trị về mặt tự nhiên, khẳng định dấu tích của một cánh rừng lim cổ thụ. Trải qua bao năm tháng, hai cây lim vẫn tươi tốt. Đã có ý kiến từ các nhà khoa học đề nghị cho nhân giống hai cây lim cổ thụ để trồng thành những rừng gỗ lim quý phục vụ sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, về mặt sinh học thì hai cây lim này là giống lim muồng, thân không thẳng lại có rất nhiều cành, e rằng khó dùng để đóng cọc xuống sông. Hơn nữa, về mặt niên đại của hai cây lim này cũng chưa có những chứng cứ xác đáng để khẳng định là lim cùng thời với những cây đã được đóng cọc xuống sông ở trận Bạch Đằng năm 1288.

Tái tạo rừng lim tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng - Ảnh 1.

Nhiều cây lim đã phát triển xanh tốt. Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh

Trước thực trạng đó, Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã trồng và chăm sóc 3 khu vườn lim xung quanh đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà tại phường Yên Giang, với mong muốn sau này có được một rừng lim để tuyên truyền, quảng bá thực tế. Hiện tổng số gần 6.000 cây lim này đều có tỷ lệ sống cao và đã phát triển khá xanh tốt. Lim ở trong 3 khu vườn này là loại lim xanh, thân thẳng, được xếp vào loài cây gỗ lớn. Cây trưởng thành có thể cao trên 30m, thân tròn, gốc có bạnh nhỏ. Vỏ cây có màu nâu, có nhiều nốt sần màu nâu nhạt sau bong mảng hoặc vẩy lớn, lớp vỏ trong màu nâu đỏ. Những cành non có màu xanh lục.

Tái tạo rừng lim tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng - Ảnh 2.

Rừng lim Bạch Đằng được gắn bia để hướng dẫn cho du khách tham quan.

Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, cho biết thêm: "Hiện tại, chúng tôi đã nỗ lực chăm sóc khu rừng lim này thật tốt để góp phần tạo ra cảnh quan sinh thái xanh - sạch - đẹp cho di tích. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn xây dựng nơi đây thành điểm trải nghiệm văn hóa độc đáo. Theo đó, tới đây chúng tôi sẽ dựng những lều chõng sĩ tử xưa, tuyên truyền về tinh thần hiếu học; cũng là nơi để du khách tham quan, nhất là du khách trẻ tuổi, để được giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước