Thay đổi thói quen đốt đồ vàng mã: Bắt đầu từ nhận thức

Xuân Sơn-Thứ hai, ngày 26/02/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đốt vàng mã không chỉ gây tốn kém, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Nguy cơ hỏa hoạn do đốt vàng mã

Thờ cúng, thắp hương, hóa vàng mã vào các ngày Rằm, mùng 1 và các ngày lễ, Tết trong năm vốn là nét văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên do bất cẩn, chủ quan khi đốt vàng mã, nhiều vụ cháy đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Lực lượng chức năng cảnh báo, việc đốt vàng mã cần tuân thủ đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) để tránh xảy ra những hiểm họa đáng tiếc, nhất là tại các khu nhà tập thể, nhà ống san sát nhau.

Khu tập thể cũ, dây điện chằng chịt, không có khu vực riêng để đốt vàng mã. Nhiều người sợ cháy nhà đã mang vàng mã ra bờ hồ, cách xa khu tập thể để đốt, tuy nhiên khi đốt cũng không có lò hóa, tàn khói bay tứ tung. Đó là bên ngoài, còn bên trong những căn hộ chật chội, hỏa hoạn cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi ban thờ của nhiều gia đình được bố trí, bày biện chưa đảm bảo khoảng cách an toàn.

"Vàng mã, bật lửa quá gần bát hương; xung quanh bàn thờ nhiều vật liệu dễ cháy như bàn ghế, mút xốp, hoa giả bằng vải. Do đó đề nghị các gia đình sắp đặt bàn thờ sao cho đảm bảo an toàn, có khoảng cách từ 0,5 - 1 m, đồng thời khi thờ cúng luôn luôn có người trông coi", Đại úy Nguyễn Danh Ngọc, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC, Công an quận Hà Đông, Hà Nội, nói.

Thay đổi thói quen đốt đồ vàng mã: Bắt đầu từ nhận thức - Ảnh 1.

Đốt vàng mã vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vừa tốn kém tiền bạc và ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Báo Tin tức)

Nguy cơ hỏa hoạn từ thói quen thờ cúng, đốt vàng mã cũng hiện hữu ở các cơ sở kinh doanh. Như với cửa hàng bán quần áo là một ví dụ, chỉ một chút lơ là, bất cẩn, nguồn lửa từ nhang cháy trên ban thờ cũng có thể làm cháy các đồ vật xung quanh.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều người vẫn giữ thói quen đốt vàng mã trước cửa nhà, đốt vàng mã ngoài đường, trên vỉa hè. Lực lượng chức năng khuyến cáo, rất nguy hiểm khi ngọn lửa cháy gần với các đồ vật dễ cháy, các phương tiện chứa xăng dầu hay khi lửa chưa tàn thường không có người ở lại trông coi.

Ngôi làng nói “không” với vàng mã

Đốt vàng mã vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, vừa tốn kém tiền bạc và ô nhiễm môi trường. Pháp luật chưa có quy định cấm, nhưng thời gian qua các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền về việc hạn chế đốt vàng mã.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ nhiều năm nay cũng đã khuyến cáo các Phật tử không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo. Vậy làm thế nào để loại bỏ hẳn thói quen này khi hiện nay vẫn có rất nhiều người còn giữ quan niệm, phải đốt vàng mã mới chứng tỏ được lòng thành, tổ tiên, thần linh mới phù hộ độ trì? Một làng quê ngoại thành Hà Nội từ nhiều năm nay, cả làng đã nói không với đốt vàng mã từ việc làm tốt công tác tuyên truyền và thay đổi nhận thức.

Tấm biển quy định không mang vàng mã vào chùa trước cổng chùa Khê Tang (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội). Như bao ngôi chùa khác, trước kia người dân đến chùa vẫn cúng và đốt vàng mã. Tuy nhiên từ khi ni sư Thích Đàm Dung về trụ trì và dành nhiều thời gian để giảng giải cho người dân trong làng về tác hại của việc đốt vàng mã, thói quen này đã được thay đổi.

"Bắt đầu từ năm 2009, thời gian đầu cũng vất vả lắm, về sau thành lập được một tổ tụng kinh Dược Sư của chùa. Mỗi lần lễ tụng kinh, tôi lên giáo hóa cho các Phật tử là đi chùa không nên đốt vàng mã, hình nhân thế mạng. Từ đó đến nay, ở chùa Khê Tang, kể cả ngày Tết, Rằm tháng Bảy, 100% dân đều không có vàng mã", ni sư Thích Đàm Dung, Trụ trì chùa Khê Tang, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, cho biết.

Thay đổi nhận thức từ việc không đốt vàng mã trong chùa, đến nay trong mỗi gia đình, người dân cũng đã không còn cúng vàng mã trên ban thờ ông bà, tổ tiên. Bà Tuyết (thôn Thượng, làng Khê Tang) cho biết, từ hàng chục năm nay vào dịp lễ Tết, hay các ngày Rằm, ngày giỗ, gia đình bà chỉ chuẩn bị hương hoa, bánh kẹo để thắp hương.

Ở làng Khê Tang, quy định không cúng, đốt vàng mã cũng đã được đưa vào quy ước trong mỗi dòng họ. Nếp sống văn minh này đã không chỉ được người dân là con cháu của tất cả các dòng họ trong làng ủng hộ, thực hiện, mà còn lan tỏa đến nhận thức của rất nhiều người đang sinh sống xa quê.

"Thôn thượng có 7 dòng họ. Các dòng họ có rất nhiều người dân xa quê. Chúng tôi đưa vào quy ước của thôn không đốt vàng mã trong dịp lễ, Tết hay các công việc gia đình. Người dân cũng đã hiểu đốt vàng mã ảnh hưởng tới môi trường và nguy cơ cháy nổ", ông Nguyễn Hữu Thạch, Trưởng thôn Thượng, làng Khê Tang thông tin.

Khu vực đốt vàng mã ở chùa Khê Tang từ lâu đã không còn đỏ lửa. Nhà chùa cho biết, thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm có kèm theo đốt vàng mã, hình nhân thế mạng, từ nhiều năm nay, nhà chùa chỉ làm lễ cầu bình an cho các gia đình với nghi lễ trang nghiêm, tiết kiệm. Bỏ hẳn thói quen đốt vàng mã, cuộc sống của người dân ở ngôi làng ngoại thành Hà Nội này vẫn bình yên và ngày càng phát triển.

Công an Hà Nội khuyến cáo phòng cháy khi thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết Công an Hà Nội khuyến cáo phòng cháy khi thắp hương, đốt vàng mã dịp Tết

VTV.vn - Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã trong nhà, hành lang, cửa hàng, trên hè phố, nơi tập trung đông người và phương tiện giao thông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước