Vì sao TP Hồ Chí Minh chưa thể thu phí lòng đường, vỉa hè?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 02/02/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tổ chức thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó.


Vì sao TP Hồ Chí Minh chưa thể thu phí lòng đường, vỉa hè? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn

Nghị quyết thu phí lòng đường, vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh có hiệu lực

Thu phí sử dụng tạm lòng đường vỉa hè có mục đích hướng tới là nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tại TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết 15 của HĐND TP về mức phí sử dụng tạm lòng đường vỉa hè đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.

Đây được xem là công cụ pháp lý để góp phần quản lý trật tự đô thị minh bạch, thiết lập cơ chế quản lý sử dụng lòng đường, hè phố thích ứng với nhu cầu thực tiễn đô thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Đồng thời, qua đó, Thành phố sẽ khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với đặc thù đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Hiện UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đang rà soát, đánh giá một số khu vực, đoạn tuyến có thể đáp ứng được các hoạt động tạm thời để xây dựng phương án, công bố công khai. Người dân và tổ chức có nhu cầu sẽ đăng ký cấp phép, khi đó mới tiến hành việc đóng phí sử dụng.

Các quận, huyện chuẩn bị thu phí lòng đường, vỉa hè

Đường Ngô Gia Tự tại Quận 10, TP. Hồ Chí Minh có vỉa hè rộng 7 mét, đủ điều kiện để đưa vào danh sách thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè. Lâu nay các hộ kinh doanh được tự do sử dụng vỉa hè. Cũng vì vậy, mỗi người sắp xếp hàng hóa mỗi kiểu mà phần lớn có tâm lý lấn rộng ra. Theo các hộ kinh doanh, việc thu phí sử dụng tạm thời sử dụng vỉa hè sẽ chấn chỉnh sự lộn xộn cũng như tạo sự cạnh tranh công bằng.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, toàn Thành phố có gần 4.900 tuyến đường rộng từ 5m trở lên, trong đó có hơn 900 tuyến đường vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên có thể khai thác thu phí quản lý sử dụng lòng đường, hè phố. Dự kiến, số tiền thu được hơn 1.500 tỷ đồng/năm.

Theo UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện, sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt phương án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, thì các địa phương sẽ kẻ vạch sơn để xác định vị trí các hộ kinh doanh có nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè để tiến hành thu phí theo Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Chuẩn bị sẵn sàng là thế nhưng TP Hồ Chí Minh lại chưa thể thu phí lòng đường, vỉa hè. UBND TP. Hồ Chí Minh mới đây đã gửi công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính hướng dẫn về phương thức khai thác và lập đề án khai thác khi thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

TP Hồ Chí Minh chưa thể thu phí lòng đường, vỉa hè

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên phương thức khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chưa được quy định tại Luật Quản lý tài sản công và Nghị định số 33/2019 của Chính phủ. Đối tượng đề nghị cấp phép khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Như vậy đơn vị được giao quản lý lòng đường và hè phố có phải lập đề án khai thác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện cấp phép và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố?

Cũng theo Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường, vỉa hè tại TP. Hồ Chí Minh đã được phân cấp quản lý cho một số sở, ngành và các quận, huyện. Việc thu phí lòng đường, vỉa hè liên quan trực tiếp đến các hộ gia đình. Do đó, điều quan trọng nhất là TP. Hồ Chí Minh phải phân định rõ ràng phần diện tích sử dụng chung, riêng của người dân, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố.

Như vậy, TP Hồ Chí Minh vẫn có đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Các chuyên gia cho rằng, Thành phố cần tổ chức thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó.

Kinh nghiệm thu phí vỉa hè trên thế giới

Ở các nước trên thế giới, từ lâu, kinh tế vỉa hè đã là nét đặc trưng của các đô thị lớn. Điển hình như ở Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, những quốc gia này đều tận dụng vỉa hè và biến thành nơi phát triển kinh tế.

Tại Paris, Pháp, 25% diện tích vỉa hè được chính quyền cho các hộ kinh doanh thuê. Giá thuê tại khu phố ít người qua lại là 16 EUR/m2. Tại những địa điểm sầm uất như đại lộ Champs-Élysées, nơi nổi tiếng với các nhà hàng, rạp chiếu phim và cửa hàng xa xỉ phẩm, giá thuê có thể lên tới 88 EUR/m2.

Các hàng quán ở Pháp cũng như nhiều nước châu Âu kê các dãy bàn ghế san sát nhau, khách có thể ngồi ăn sáng trò chuyện với bạn bè, hút thuốc lá ở ngoài trời hoặc ngồi đọc báo một mình. Và tất nhiên, vỉa hè luôn chừa lại diện tích nhất định dành cho người đi bộ. Các cửa hàng kinh doanh ăn uống được kê bàn ghế ngoài trời nhưng phải nằm gọn trong mái hiên từ 3 - 6m.

Còn tại London, Anh nếu muốn mở các gian hàng trên đường phố, vỉa hè, người bán cũng phải xin giấy phép. Lệ phí tại khu vực trung tâm có thể lên đến hơn 50 USD một ngày. Nếu kinh doanh đồ ăn, người bán còn phải đăng ký với cơ quan y tế và môi trường. Điểm đặc biệt là bảng giá chi tiết về việc thu phí vỉa hè đều được công bố công khai chi tiết trên website của chính quyền địa phương.

New York, Mỹ thu được khoảng 60 triệu USD một năm từ việc thu lệ phí cho phép dựng biển hiệu, cột đèn trang trí, đồng hồ, ghế đá, thùng rác cố định và nhiều vật thể khác trên hơn 19 km vỉa hè của thành phố. Ngoài ra, có sự khác biệt trong lệ phí tùy theo giá trị của bất động sản gần đó. Những nơi là địa điểm quan trọng mang tính dấu ấn, lịch sử của địa phương được ưu tiên trả ít hơn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước