Vị trí sạt lở ở đèo Bảo Lộc trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ

PV-Thứ tư, ngày 02/08/2023 10:25 GMT+7

VTV.vn - Đại diện Cục Lâm nghiệp khẳng định khu vực trồng sầu riêng bị sạt lở ở đèo Bảo Lộc là rừng phòng hộ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 1/8, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vị trí sạt lở ở đèo Bảo Lộc là ở đồi trồng sầu riêng. Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo phải làm rõ.

"Tuy nhiên, nhận định ban đầu, vụ sạt lở ở đây là do tác động của lượng mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày, vị trí thế đất cao mà thảm thực bì là cây sầu riêng trồng năm 2019 thì cây sầu riêng không có tăng cường độ che phủ," ông Triệu Văn Lực nói.

Vị trí sạt lở ở đèo Bảo Lộc trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ - Ảnh 1.

Khu vực sạt lở không có cây rừng mà được trồng sầu riêng (Ảnh: Dân trí).

Đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định rất rõ về quy chế quản lý và sử dụng với ba loại rừng: Phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.

"Chúng tôi chắc chắn khu vực đó là rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ trên cạn thì theo quy định phải trồng cây bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa. Vấn đề này chắc chắn có trách nhiệm của địa phương trong việc quan tâm, quy hoạch, rà soát đất rừng phòng hộ," ông Triệu Văn Lực cho hay.

Theo ông Triệu Văn Lực, việc quản lý, sử dụng đất rừng, trồng rừng phải theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hướng dẫn theo quy định của Nghị định 156/2018/NĐ-CP về quy chế sử dụng đất rừng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Đặng Thị L., 76 tuổi, chủ vườn sầu riêng nằm trong khu vực sạt lở ở đèo Bảo Lộc, cho biết trước năm 1975, ông Đặng H., bố của bà, đã khai hoang khu đất này để canh tác. Sau khi người bố qua đời, mảnh đất được giao lại cho bà quản lý.

Ban đầu bà trồng cây lúa, sau đó chuyển sang trồng bơ, cà phê, mít. Sau thời gian dài canh tác, đất đai cằn cỗi nên bà chuyển lại cho cháu trai là ông B. cải tạo để trồng sầu riêng.

Theo ông B., dư luận nói gia đình ông phá rừng gây sạt lở là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình.

"Đất này ông bà tôi canh tác từ lâu, tôi chỉ kế tục để canh tác thôi chứ đâu có phá rừng. Tại khu vực này còn có những cây vú sữa, cây bơ lâu năm nữa, chứ không chỉ có sầu riêng", ông B. nói.

Vị trí sạt lở ở đèo Bảo Lộc trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ - Ảnh 2.

Sau 2 ngày bị chia cắt vì sạt lở nghiêm trọng, tuyến đèo Bảo Lộc đã được thông xe từ trưa 1/8. Ảnh: TTXVN

Trước đó chiều 30/7, 3 cảnh sát giao thông và 1 người dân đã bị hàng ngàn khối đất đá vùi lấp tại khu vực đèo Bảo Lộc, đoạn qua huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng. Tuyến đèo này cũng bị chia cắt hoàn toàn.

Liên quan vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố này; đồng thời phải kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời khu vực có nguy cơ sạt lở để có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên QL20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.

Tính từ giữa tháng 6 tới nay, tỉnh Lâm Đồng trở thành điểm nóng về sạt lở ở khu vực Tây Nguyên khi ghi nhận 17 vụ sạt lở, 13 người thương vong.

Theo thống kê của Cục quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cùng kỳ 5 năm trở lại đây, chưa năm nào Lâm Đồng lại ghi nhận số vụ sạt lở đất nhiều như năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước