Vụ ngộ độc botulinum: Người bán lấy chả lụa từ cơ sở sản xuất “chui”

PV-Thứ bảy, ngày 20/05/2023 22:29 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Hiện cơ quan chức năng thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã lấy mẫu chả lụa tại cơ sở sản xuất “chui” này để mang đi xét nghiệm và chờ kết quả.

Liên quan đến các trường hợp ngộ độc botulinum do ăn chả lụa từ người bán dạo xảy ra trên địa bàn thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) trong thời gian gần đây, chiều 20/5, đại diện phòng Y tế thành phố Thủ Đức trao đổi với báo chí cho biết, người bán dạo lấy chả lụa từ một cơ sở sản xuất giò lụa hoạt động “chui”.

Qua kiểm tra, người bán dạo chả lụa gây ra các trường hợp bị ngộ độc botulinum xảy ra trên địa bàn là người làm công cho một chủ lò bánh mì. Lò bánh mì này đã lấy giò lụa tại một cơ sở sản xuất giò lụa ở phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức).

Cơ sở sản xuất chả lụa này hoạt động được gần hai tháng, không có biển hiệu hay bất kỳ giấy phép nào. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu chả lụa tại cơ sở này để mang đi xét nghiệm và chờ kết quả.

Hiện Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đã chỉ đạo cho tất cả các phường trên địa bàn tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt những cơ sở sản xuất giò lụa, bún, phở…

Các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hoạt động "chui", bởi những cơ sở này thường không có biểu hiệu, không đăng ký và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện khi có trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cho đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn đang điều trị cho 3 ca nhiễm độc Botulinum, trong đó có 2 người dân trên địa bàn thành phố Thủ Đức với các triệu chứng nhiễm độc sau khi ăn món chả lụa.

Theo đó, ngày 15/5, đơn vị này tiếp nhận một bệnh nhân 26 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức với trạng thái yếu cơ, khó nuốt. Theo lời kể của bệnh nhân, ngày 13/5, anh và em trai ruột 18 tuổi có mua chả lụa từ một người bán dạo để ăn với bánh mì. Chả lụa được gói kín trong lớp bao nilon và một lớp lá chuối. Sau ăn, cả hai anh em đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, đau đầu choáng váng và đau bụng, có biểu hiện bị tiêu chảy. Sau đó đến ngày 14/5 và 15/5 thì tình trạng tiến triển nhiều hơn và bắt đầu yếu cơ, khó nuốt. Do người em 18 tuổi có diễn biến yếu sức cơ, khó nuốt sớm hơn nên nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Còn người anh thì có triệu chứng nhẹ hơn nên tự đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám và được chỉ định nhập viện vào ngày hôm sau.

Liên quan đến vấn đề điều trị, hiện nay thuốc BAT giải độc đặc hiệu ngộ độc Botulinum đã không còn nên các bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Nếu bệnh nhân ngộ độc Botulinum được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 giờ đến 72 giờ có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy.Trung bình từ 5 đến 7 ngày thì bệnh nhân có thể hồi phục, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định trở lại.

Nếu không có thuốc giải độc thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài từ 3 đến 6 tháng và nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng. Do đó, nếu không có thuốc thì các bác sĩ điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân.

Ăn chả lụa và mắm, 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum nhưng không còn thuốc giải độc Ăn chả lụa và mắm, 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum nhưng không còn thuốc giải độc

VTV.vn - Nếu không có thuốc BAT giải độc đặc hiệu ngộ độc Botulinum, các bác sĩ điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước