Ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc

VTV Digital-Thứ tư, ngày 12/04/2023 12:29 GMT+7

VTV.vn - Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Cùng chuyên mục "Chuyện nóng" trong Chuyển động 24h trưa nay nói về tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc.

Chỉ ít ngày qua, một ứng dụng gọi xe, một thương hiệu thời trang và một giải bơi quốc tế đã gây bức xúc dư luận khi sử dụng hình ảnh bản đồ có thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, với những tên đảo, quần đảo được thể hiện không chính xác bằng tiếng nước ngoài, thậm chí là không có hình của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngay sau đó, đại diện các thương hiệu, đơn vị vi phạm này đã gửi lời xin lỗi về sơ suất trong quá trình xử lý hình ảnh và kiểm duyệt nội dung.

Sai phải sửa nhưng làm sao để lỗi sai ấy không lặp lại nữa mới là điều đáng bàn.

Ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc - Ảnh 1.

Ở một góc độ khác, trên không gian mạng, ngay khi những vụ việc này xảy ra lại là lúc ta thấy rõ nhất ý thức và tinh thần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đang cuộn chảy mạnh mẽ thế nào trong mỗi người Việt. Minh chứng là những bài viết nêu rõ quan điểm phản đối của rất nhiều người trên các diễn đàn, trong đó có nhiều người trẻ. Trong mục "Chuyện nóng" ngày hôm nay, hãy cùng nói về ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc!

Ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc - Ảnh 2.

Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, đó là sự thật hiển nhiên và cũng có nghĩa rằng hiển nhiên khi nhắc tới hình ảnh bản đồ Việt Nam, Hoàng Sa - Trường Sa phải là 2 điểm sáng hiện lên trong khung hình bản đồ ấy. Với những đơn vị đã lỡ quên điều này trong các sản phẩm hình ảnh của mình, theo luật hiện hành, mức xử phạt hiện đang là khoảng vài chục triệu đồng về việc "Lưu hành bản đồ thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia". Tuy nhiên, cái mất nhiều hơn, đáng lo hơn với các hãng này lại là tình cảm và mối liên kết với người dùng Việt Nam.

Ý kiến của các bạn trẻ trước câu hỏi "Bạn nghĩ như thế nào về một thương hiệu, bộ phim sử dụng sai hình ảnh về chủ quyền biển đảo Việt Nam?"

Có lẽ chẳng có một doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài nào đang hoạt động tại Việt Nam lại không hiểu tầm quan trọng của toàn vẹn chủ quyền biển đảo trong mỗi tấm bản đồ. Tuy nhiên, sai sót vẫn đến với một lý do mang tính chủ quan như: "Sơ suất trong quá trình xử lý hình ảnh và kiểm duyệt nội dung".

Một cách khách quan, tình huống này có thể xảy ra từ suy nghĩ vô thức, xuất phát từ một chi tiết nhỏ khi chúng ta vẫn thường quen miệng nói với con trẻ. Đó là khi một cô cậu nhóc nào đó có hỏi: "Nước Việt Nam mình hình gì bố mẹ nhỉ?", nhiều người sẽ phản xạ ra ngay câu trả lời rằng: "hình chữ S con ạ". Câu trả lời ấy dễ nhớ, dễ hình dung nhưng lại vô tình khiến người tiếp nhận quên đi rất nhiều những dấu chấm xung quanh chữ S - đó là các đảo và quần đảo của chúng ta.

"Mưa dầm thấm lâu", mỗi hình ảnh, mỗi suy nghĩ tuy nhỏ nhưng vẫn luôn có khả năng tồn tại, và đôi khi chúng ta lại ít để ý đến điều đó. Vậy nên hãy chuẩn chỉnh mọi lúc để không vô tình tạo ra những nhận thức sai lệch. Những phân cảnh nhỏ, thoáng qua trong nhiều bộ phim cũng vậy.

Loạn phim có "đường lưỡi bò" trên các trang mạng Việt

Tháng 3 năm 2022, Cục Điện ảnh xác nhận bộ phim Thợ săn cổ vật đã bị cấm chiếu tại Việt Nam do chứa hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò". Trước đó, "Danh sách đen" của các bộ phim có vi phạm tương tự cũng không ít như: phim điện ảnh có Everest: Người Tuyết bé nhỏ", Điệp vụ biển đỏ... hay phim truyền hình có: Em là niềm kiêu hãnh của anh, Nhất Sinh Nhất Thế, Lấy danh nghĩa người nhà... Tất cả đều đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, bị cấm chiếu tại Việt Nam.

Ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc - Ảnh 4.

Thế nhưng, thực tế các bộ phim vi phạm này vẫn đang tồn tại nhan nhản trên các trang mạng có tiếng trong lĩnh vực "phim lậu" tại Việt Nam. Người xem có thể xem trực tiếp, hoặc nhấp vào đường dẫn đến dịch vụ lưu trữ trung gian để tải về, tất cả đều khá dễ dàng.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), với các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, khi có các phim vi phạm quy định của Việt Nam, phía Cục yêu cầu gỡ thì các nền tảng này đều tuân thủ và gỡ ngay. Tuy nhiên, với các trang web phim lậu đặt server ở nước ngoài thì việc xử lý lại khó khăn hơn rất nhiều, bởi cứ chặn được trang này thì trang khác lại mọc lên. Các trang này cũng lách bằng cách thay đổi tên miền thường xuyên hoặc sử dụng rất nhiều tên miền khác nhau.

Ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc - Ảnh 5.

Thực tế là các trang phim lậu ấy sống nhờ quảng cáo, nên nếu các doanh nghiệp không quảng cáo, người dùng không xem phim thì tự nhiên các trang lậu này sẽ không tồn tại nữa. Xem phim lậu đã là không tốt, lại còn xem phim lậu để góp phần nuôi nhưng trang phim đăng tải những bộ phim vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam - đó không thể chỉ là một hành vi thiếu ý thức.

Những thay đổi lớn sẽ tới từ việc kiên trì với những điều nhỏ bé đúng đắn. Tình yêu quê hương sẽ ngày càng thêm bền chặt nhờ từng bước đúng đắn từ BIẾT - HIỂU - đến HÀNH ĐỘNG. Đó cũng là hành trình ta có thể thấy trong những hoạt động suốt thời gian qua của CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu". 

Ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc - Ảnh 6.

BTV MC Sơn Lâm có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Việt Triều - Phó chủ nhiệm CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" .

Quý vị theo dõi chi tiết trong video trên!

Yêu cầu các quốc gia, tổ chức tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa Yêu cầu các quốc gia, tổ chức tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa Phạt 25 triệu đồng công ty đăng bản đồ Việt Nam thiếu Hoàng Sa, Trường Sa Phạt 25 triệu đồng công ty đăng bản đồ Việt Nam thiếu Hoàng Sa, Trường Sa Mọi hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền Mọi hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước