“Chuyến tàu” đặc biệt của năm
Tiếp nối thành công của chương trình Tạp chí kinh tế hai Tết trước đó, đây là năm thứ ba Trung tâm Tin tức VTV24 (trước là Phòng Kinh tế - Ban Thời sự) đảm nhiệm chương trình đặc biệt phát sóng nhân dịp Tết. Năm nay, Tạp chí kinh tế năm Giáp Ngọ là một đoàn tàu kinh tế mang tên “Băng qua vùng tối”.
Nhà báo Lê Bình – Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 - chia sẻ: “Tạp chí kinh tế năm Giáp Ngọ là một bức tranh đa dạng, tuy có nhiều gam màu tối nhưng rất thật của nền kinh tế trong năm qua, là nỗi khổ của người nông dân, bức xúc của các doanh nghiệp và những tồn tại trong lĩnh vực tiêu dùng. Và tôi tin, xem chương trình này, doanh nhân sẽ nhìn thấy họ, người tiêu dùng sẽ thấy hình ảnh mình, nhà quản lí phải suy nghĩ, người nông dân sẽ được cảm thông, chia sẻ”.
Chuyến tàu kinh tế đặc biệt gồm “5 toa”: Nông nghiệp, Doanh nghiệp, Người tiêu dùng, Quốc tế, Nhà quản lí. Mỗi toa do một nhóm đảm nhiệm và có màu sắc phù hợp với thực trạng của từng lĩnh vực. Với các ý tưởng thể hiện khác nhau, mỗi toa hứa hẹn mang đến những bất ngờ thú vị cho khán giả. Toa Doanh nghiệp với chủ đề “Bị bao vây và lật ngược thế cờ?” đã mượn các thế cờ vây nhằm mô tả tình thế của các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong đó, Ngân hàng với tên gọi: “Xốc lại đội hình”, miêu tả hoạt động Ngân hàng như những trận bóng đá. Đã có nhiều tình huống gay cấn, chơi xấu và nhiều thẻ Vàng đã được rút ra, rất may là chưa có thẻ Đỏ và có nhiều áp lực để lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh lại; Bất động sản với tiêu đề “Giảm giá và trả giá” đã nói lên thực trạng của lĩnh vực bất động sản hiện tại. Với “địa bàn” dẫn hiện trường là tòa nhà hoang le lói một vài tia sáng, nó cũng giống bức tranh của bất động sản trong năm 2013, gần như chìm vào bóng tối.
Ấn tượng và thú vị nhất là hai toa Tiêu dùng và Nông nghiệp. Toa Nông nghiệp được dành thời lượng dài nhất, khán giả sẽ cảm nhận được nỗi đau, sự thiệt thòi của người nông dân, họ là đối tượng đông nhất nhưng vất vả và nghèo khó nhất. Thông qua chất liệu sống chân thực, nhóm thực hiện chương trình muốn chỉ ra nguyên nhân sâu xa sự chênh vênh giữa chính sách và quá trình thực hiện, để các nhà quản lí có thể nhìn thấy lỗ hổng của chính sách và điều chỉnh kịp thời, giúp người nông dân vơi bớt nỗi khổ.
Toa Tiêu dùng thú vị ngay từ cái tên “Người cùng khổ”, hàm ý phản ánh người dân đang chung nỗi khổ phải tiêu dùng những sản phẩm độc hại có thể sinh bệnh mà không được bảo vệ quyền lợi. Đây là một trong những tồn tại của xã hội, là trách nhiệm của nhà quản lí. Các clip hóm hỉnh, hài hước với những con số ấn tượng, thông tin sâu sắc sẽ khiến nhà quản lí phải suy nghĩ và người tiêu dùng định hướng lại.
Từ đó, thay đổi thói quen, hành vi và nhận thức từ nhà quản lí đến người tiêu dùng, để cách tiêu và dùng của người Việt văn minh, sạch sẽ hơn, đảm bảo sức khỏe, sinh mạng của con người. Bên cạnh đó sẽ có những clip hài hước đề cập đến các chính sách kì quặc, những quy định khó thực hiện. Theo nhà báo Lê Bình, chương trình chỉ ra những điều sai, vấn đề còn tồn tại, bằng những phóng sự đầy xúc cảm, những con số thống kê khiến người ta có thể đau đớn và những đoạn clip hài hước châm biếm khiến nhà quản lí giật mình. Nhưng tất cả đều nhằm mục tiêu xây dựng nền kinh tế minh bạch, vì xã hội văn minh, vì cuộc sống của người dân.
90 phút kịch bản là kết quả 365 ngày “thai nghén” của các nhóm phóng viên làm kinh tế. Như những chú ong thợ, trong quá trình tác nghiệp, họ “nhặt nhạnh” dần chất liệu thú vị để dành cho chương trình cuối năm. Thời điểm cuối năm cũng là lúc “những chú ong chăm chỉ” ngồi lại với nhau và trình bày những điểm nổi bật trong lĩnh vực mình theo dõi. Đã thành nếp, mỗi cá nhân trong các nhóm không ngần ngại đưa ra các ý tưởng phản biện. Cứ thế, những cuộc “khẩu chiến” về công việc giữa họ dường như chưa bao giờ dứt…
Những cuộc “khẩu chiến”
Nếu là người lạ được “đột nhập” vào một cuộc họp của phòng Kinh tế, có thể bạn sẽ hơi sốc một chút khi thấy một phóng viên đưa ra ý tưởng và bị phản biện tới tấp đến mức họ có thể sẽ sợ hãi và thụt lùi. Thế nhưng, không những không lùi lại, họ còn tiến lên với việc thu thập ý tưởng tranh luận của đồng nghiệp. Cũng bởi, phản biện đã trở thành văn hóa của phòng Kinh tế. Từ cộng tác viên đến lãnh đạo, mọi người đều có thể phản biện lẫn nhau. Và ai cũng hiểu những tranh luận ấy chỉ nhằm mài sắc hơn ý tưởng của mỗi cá nhân, giúp các ý tưởng được toàn diện, khách quan.
Tính đến thời điểm kịch bản Tạp chí kinh tế năm Giáp Ngọ tương đối hoàn chỉnh, có khoảng 10 cuộc “khẩu chiến” đã nổ ra, mỗi cuộc kéo dài 4-5 tiếng. Kỉ lục nhất là cuộc họp kéo dài từ 9h sáng đến 7h tối, say mê đến mức họ chỉ có một giờ nghỉ trưa rồi lại tiếp tục “chiến đấu”. Chính sự phấn khích đã tiếp thêm năng lượng vô cùng lớn để các nhóm phóng viên liên tục sáng tạo và có sức khỏe để làm việc. Tất cả nhằm thỏa mãn “tham vọng” 90 phút của chương trình vẽ được 365 ngày nền kinh tế năm Quý Tỵ, giúp khán giả có cái nhìn chân thực nhất.
Sự gay cấn không chỉ là không khí của mỗi cuộc họp mà còn được đưa vào kịch bản chương trình. “Sự gay cấn trong chương trình vừa là tính cách vừa là sự lựa chọn khôn ngoan nhất để chúng tôi nêu bật ý tưởng tốt nhất. Chỉ khi tranh luận với nhau thì mới ra ý tưởng tốt. Khi những đầu óc căng ra để bảo vệ quan điểm của mình, biết lắng nghe những lời nói nghịch tai thì mới tìm ra chân lí, mới lựa chọn được thông tin quan trọng nhất, hình thức thể hiện hấp dẫn nhất để thu hút khán giả.
Đôi lúc, mình nghĩ ý tưởng của mình là hay nhưng dưới cái nhìn của người khác thì chưa chắc đã hấp dẫn. Ở phòng Kinh tế, chúng tôi thành công được là nhờ ý tưởng tập thể. Chúng tôi tận dụng tất cả những ý tưởng dù nhỏ nhất của bất kì ai vừa chợt lóe lên, thậm chí của cả một bạn cộng tác viên. Chính nhờ cách làm việc như thế chúng ta đã có một chương trình kinh tế mà khán giả có thể bật cười, có thể rơi lệ, có thể hài lòng hay phẫn nộ. Chúng tôi thuyết phục khán giả bằng thông tin, phân tích logic bằng những số liệu cụ thể và khán giả sẽ chấp nhận thông điệp từ chúng tôi” – nhà báo Lê Bình chia sẻ.
“Tôi là người đi suốt chuyến hành trình và cùng các đồng nghiệp trải qua các cung đường, các lĩnh vực kinh tế nghiệp, họ tiếp cận với từng lĩnh vực, từng mảng màu của nền kinh tế nên có những xúc cảm riêng, góc nhìn riêng. Thậm chí, họ còn có những nỗi đau, sự xót xa với những nhân vật, con người, hoàn cảnh mà họ gặp và chứng kiến nên đôi lúc, cảm xúc ấy không được tiết chế. Tôi là người cân bằng giữa các biên tập viên, giữa các toa tàu, giúp khán giả nhìn thấy bức tranh toàn cảnh chân thực nhất, nhiều góc cạnh và khách quan nhất về nền kinh tế năm qua. Từ góc nhìn nhiều chiều mới có thể tiệm cận được cuộc sống”- nhà báo Lê Bình nói.
BTV Minh Hường: “Các phóng viên ra hiện trường ghi nhận câu chuyện thực tế. Ở góc độ người theo dõi mảng chính sách, tôi nghiên cứu các chính sách vĩ mô của Chính phủ hay chính sách cho từng đối tượng và khớp các mảng đó với nhau. Tìm ra nguyên nhân tại sao thực tế còn những vướng mắc, do chính sách không chuẩn hay do từ chính sách đến thực hiện có khoảng cách và độ vênh. Tôi sẽ góp thêm cái nhìn toàn diện hơn chứ không nhìn phiến diện một chiều từ phía người thụ hưởng chính sách.”
BTV Trần Việt: “Tôi phụ trách “toa” Nông nghiệp. Với những phóng sự làm theo phong cách truyền hình thực tế, toa tàu của tôi thể hiện trực diện và đơn giản nhất vì người nông dân cần những thông tin dễ hiểu. Trong toa tàu này, tôi mô tả chân dung và cuộc sống khó khăn của người nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – một vựa lúa và cũng là vùng chăn nuôi xuất khẩu lớn nhất cả nước”.