CK thính phòng Sao Mai 2013 - Đêm tôn vinh âm nhạc bác học

Đức Huỳnh-Thứ hai, ngày 12/08/2013 00:00 GMT+7

4 thí sinh xuất sắc nhất bước vào đêm chung kết xếp hạng Sao Mai 2013 (Ảnh: Hà Nội mới)

 Vòng chung kết toàn quốc Sao Mai 2013 đã chính thức bắt đầu với đêm chung kết đầu tiên với cuộc thi tài của 11 thí sinh của phong cách thính phòng. 4 gương mặt xuất sắc đã được lựa chọn để đi vào đêm chung kết, xếp hạng vào 31/8 tới đây.

Được đánh giá là đêm chung kết có nhiều bất ngờ, nơi các thí sinh có thể khoe giọng hát và chất âm nhạc được đào tạo bài bản cũng như tạo cảm xúc vào trong mỗi bài hát. Mỗi thí sinh một màu sắc riêng khó trộn lẫn, song tựu chung lại đêm chung kết dòng thính phòng được chia làm hai “trường phái” thể hiện khá rõ rệt: tôn vinh kỹ thuật thanh nhạc cổ điển và xử lý làm mới các tác phẩm thính phòng.

Làm mới ca khúc để “mềm” hóa chất cổ điển

Đầu tiên phải kể đến 3 giọng ca đến từ miền Bắc, những ứng cử viên sáng giá cho Sao Mai năm nay.
Từng dự thi Sao Mai năm trước, Đào Văn Mác được giới trong nghề đánh giá cao về giọng hát. Anh thể hiện 2 ca khúc Tìm em của nhạc sĩ Trần Hoàn và Tượng đài chiến thắng của nhạc sĩ Xuân Thủy. Lối hát mộc mạc pha chất kỹ thuật thanh nhạc bài bản đã làm mềm chất cổ điển vốn có, giúp hai ca khúc này trở nên dễ nghe hơn.

Ngô Văn Đức, chàng trai đến từ Thái Bình lại sở hữu giọng hát dày và ấm nhưng cũng đầy kỹ thuật. Quê hương ơi ta sẽ về và Lời của ánh mắt được thí sinh này thể hiện rất trọn vẹn. Anh đã thể hiện được cái tình trong bài hát khá rõ nét. Có lẽ đây cũng là một trong những nhân tố để đưa thí sinh này bước tiếp vào đêm cuối cùng.

‘ Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Tuấn Dương có cách xử lý bài hát tinh tế (Ảnh: Vnexpress)


Được sự cổ vũ của khán giả chủ nhà, khi xuất hiện nhận được nhiều tràng vỗ tay của khán giả Cung Văn hóa Lao động Việt Tiệp, Nguyễn Xuân Tuấn Dương lại mang đến một phong cách vừa hát vừa diễn. Đặc biệt là trong tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận Áo mùa đông, thí sinh này kết hợp 2 nhạc cụ là sáo và Cello, tạo nên một chất vừa dân gian, vừa cổ điển. Ở bài Bài ca đảo Bạch Long Vỹ với cách xử lý hơi mang thiên hướng của nhạc nhẹ đã làm cho bài hát nghe tình cảm, mượt mà, xen lẫn niềm tự hào làm chất chỉn chu, nắn nót của thính phòng dễ đi vào lòng người.

Nguyễn Tuấn Anh, thí sinh đến từ Thanh Hóa lại biến đổi ca khúc bằng lối hát nhẹ nhàng, bản phối hơi khác so với các ca sĩ khác với Đất nước tình yêu và Hà Nội tuổi thơ tôi.

‘ Đinh Thị Trang thể hiện chất điêu luyện của kỹ thuật nhưng vẫn giàu cảm xúc(Ảnh: Hà Nội mới)


Giàu cảm xúc và bay bổng là những từ có thể nói đến tiết mục biểu diễn đầu tiên của đêm chung kết của thí sinh đến từ Cộng hòa Czech, Martina Nguyenova Thủy. Không thể hiện chất kỹ thuật trong giọng hát mà dồn cảm xúc một cách tinh tế vào từng bài hát đã làm cho khán giả thích thú với giọng ca này. Ở ca khúc Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký, thí sinh đã khéo léo cho đoạn hát bằng tiếng Czech vào phần cuối tạo hơi thở mới cho bài hát nổi tiếng của một thời. Tuy nhiên, do là phần biểu diễn đầu tiên nên thí sinh không tránh khỏi yếu tố tâm lý khi biểu diễn.

Khẳng định “chất” kỹ thuật thanh nhạc

Dòng nhạc thính phòng luôn được đánh giá là “đất diễn” để các thí sinh thể hiện kỹ thuật thanh nhạc được đào tạo bài bản của mình. Tuy nhiên cũng là nơi dễ nhận ra những điểm yếu về giọng hát với những thí sinh còn “non” về kỹ thuật.

‘ Ngô Văn Đức sở hữu giọng hát dày, ấm và rất truyền cảm (Ảnh: Hà Nội mới)

Là thí sinh trình bày cuối cùng của đêm chung kết dòng thính phòng và cũng là thí sinh để lại nhiều ấn tượng mạnh nhất của đêm chung kết, Võ Hồng Quân, thí sinh đến từ Cộng hòa Pháp trình bày hai ca khúc: Bên thềm chim én bay (Lời việt: Nam Anh) và Miền xa thẳm (Nhạc sĩ Đức Trịnh). Sở hữu giọng hát cao, sáng và kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, Võ Hồng Quân đã mang lại nhiều cảm xúc cho Ban Giám khảo và khán giả. Đây cũng là một lý do mà cô nhận được nhiều bình chọn nhất từ phía khán giả.Chính điều này tạo nên yếu tố bất ngờ, tiềm ẩn của những thí sinh đến từ châu Âu.

Nếu như các thí sinh miền Bắc thường chọn những ca khúc mới của dòng thính phòng thì các thí sinh miền Nam lại lựa chọn những bài hát trở thành “kinh điển” của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Những ca khúc đã gắn liền với rất nhiều tên tuổi của các thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng đi trước như: NSND Quốc Hương, NSND Trần Khánh, NSND Trung Kiên, NSND Lê Dung… Tuy nhiên, các thí sinh của miền Nam đã thể hiện phần trình diễn của mình khá tốt, xử lý bài hát theo đúng chất nhưng vẫn có được cá tính âm nhạc riêng.

‘ Trần Thị Trang là 1 trong 4 thí sinh đi tiếp vào vòng trong (Ảnh: Vnexpress)

Mặc dù là thí sinh nhỏ tuổi nhất của đêm thi, Phạm Trung Kiên lựa chọn hai ca khúc Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn (Nhạc sĩ Hoàng Hà) và Những ánh sao đêm (Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu). Với những ca khúc đã quá nổi tiếng này, xử lý bài hát sao cho không theo lối mòn của những người đi trước là một câu hỏi đối với thí sinh này. Tuy nhiên, Phạm Trung Kiên đã làm được, cho khán giả thấy được nội lực từ trong chính giọng hát đầy chất tuổi trẻ của mình.

Lựa chọn 2 ca khúc mà các thí sinh thường chọn để mang đến các cuộc thi âm nhạc, đặc biệt là bài Chào sông Mã anh hùng của nhạc sĩ Xuân Giao đã được thể hiện vô cùng thành công với giọng hát NSND Trung Kiên, thí sinh Hoàng Hải Thoại đã sử dụng được kỹ thuật được đào tạo bài bản của mình mang lại màu sắc khác cho ca khúc này nhưng vẫn đậm chất hào hùng vốn có của nó.

Người Hà Nội và Bài ca Hà Nội là hai tác phẩm nổi tiếng viết về Thủ đô đã được thí sinh Nguyễn Thị Nhất Phương đem đến biểu diễn tại đêm chung kết đầu tiên của Sao Mai 2013. Giọng ca kỹ thuật được đào tạo từ Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành một cách trọn vẹn hai ca khúc.

‘ Võ Hồng Quân, thí sinh để lại nhiều ấn tượng nhất trong đêm thi (Ảnh: Hà Nội mới)

Trần Thị Trang, Đinh Thị Trang, 2 thí sinh đến từ Nghệ An đã khoe được giọng hát đầy kỹ thuật của mình bằng những bài hát lột tả tốt nhất sự điêu luyện của kỹ thuật thanh nhạc.

Ở phần thi của Đinh Thị Trang, ca khúc với tiết tấu nhanh Tiếng sáo của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, thơ Lê Giang đã thể hiện sự trường giọng và xử lý thông minh của thí sinh. Mang chất thính phòng đậm đặc nhưng vẫn có hồn trong từng câu hát.

Bên cạnh chọn bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho Người con gái sông La, thí sinh Trần Thị Trang lại thử sức bằng ca khúc mang chất thính phòng của nhạc sĩ Dương Thụ đã từng được thế hệ đàn chị như Mỹ Linh, Hiền Anh thể hiện rất thành công. Mặc dù là ca khúc khó nhưng Trần Thị Trang đã hoàn thành phần dự thi của mình bằng sự nắn nót, cổ điển của âm nhạc thính phòng.

Cùng với sự bất ngờ đến từ giọng hát đến từ châu Âu, từ cách xử lý bài hát một cách tinh tế, đầy tình cảm đến sự điêu luyện trong kỹ thuật thanh nhạc đã làm cho đêm chung kết Sao Mai trở nên ấn tượng. Đêm chung kết này cũng có sự thay đổi về cách tính điểm khi thí sinh được khán giả bình chọn nhiều nhất sẽ không được cộng điểm vào phần thi của mình mà nhận được phần thưởng của Ban Tổ chức. Chính điều này đã tạo ra được sự công bằng cho các thí sinh.

Võ Hồng Quân, Ngô Văn Đức, Đinh Thị Trang, Trần Thị Trang là 4 cái tên được xướng lên, tiếp tục bước vào đêm chung kết, xếp hạng của Sao Mai 2013 để đi tới ngôi vị cao nhất của cuộc thi đầy danh giá này.

Đêm chung kết thứ 2 của Sao Mai 2013 phong cách dân gian sẽ tiếp tục đến với khán giả vào tối thứ 7 (17/8/2013). Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài THVN từ Cung văn hóa lao động Việt – Tiệp, TP Hải Phòng. Mời quý vị khán giả chú ý đón xem.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước