Hỏi đáp nhanh - Thông tin cơ bản nhất về ung thư vú

Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, icon
03:06 ngày 27/03/2018

VTV.vn - Ung thư vú là bệnh ung thư rất nguy hiểm, cướp đi tính mạng của 4.500 người Việt mỗi năm và chiếm 25% tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới.

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về ung thư vú và giải đáp ngắn gọn từ Bác sĩ Lê Văn Bảo - bác sĩ tầm soát ung thư tại Bệnh viện Thu Cúc.

Hỏi: Xin hỏi những dấu hiệu của bệnh ung thư vú là gì?

Trả lời: Ung thư vú giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Ở giai đoạn tiến triển, dấu hiệu của bệnh có thể là:

- Xuất hiện hạch, u ở trong vú, nách

- Núm vú bị thụt vào trong

- Tiết dịch bất thường ở vú

- Vùng quanh vú bị sưng, đỏ

- Vú bị thay đổi kích thước, hình dạng, hai bên vú không đồng đều

Hỏi đáp nhanh - Thông tin cơ bản nhất về ung thư vú - Ảnh 1.

Da vú sần vỏ cam, đỏ, ngứa hoặc có khối u ở vú có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú

Hỏi: Người mắc ung thư vú sống được bao lâu?

Trả lời: Tiên lượng bệnh ung thư vú còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại bệnh, giai đoạn bệnh, bác sĩ điều trị, thiết bị hỗ trợ điều trị và khả năng điều trị của từng người...

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư vú là khoảng 96%. Ở giai đoạn 1, tỉ lệ này là 92%; giai đoạn 2 là 85%; giai đoạn 3 là 67% và giai đoạn cuối là 21%.

Hỏi: Nguyên nhân mắc bệnh ung thư vú là gì?

Trả lời: Nguyên nhân của phần lớn các ca ung thư vú vẫn chưa được tìm ra. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, có đến 10% các trường hợp được xác định có liên quan đến di truyền. Ngoài ra, các yếu tố như: tuổi cao, từng mắc ung thư vú, sinh con đầu lòng muộn, vô sinh hoặc không sinh con, bắt đầu kinh nguyệt sớm hoặc mãn kinh muộn, béo phì, sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh… đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hỏi: Bị ung thư vú là phải cắt bỏ vú có đúng không?

Hỏi đáp nhanh - Thông tin cơ bản nhất về ung thư vú - Ảnh 2.

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể.

Trả lời: Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể. Thông thường, bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn sớm chỉ cần phẫu thuật loại bỏ khối u chứa ung thư. Ở những giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể phải loại bỏ toàn bộ tuyến vú.

Hỏi: Cần làm gì để phòng tránh ung thư vú?

Trả lời: Không có biện pháp phòng tránh ung thư vú tuyệt đối. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây giúp giảm nguy cơ mắc bệnh: không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá; ăn uống lành mạnh; tập thể dục đều đặn. Ngoài ra, tự khám vú hàng tháng và tầm soát ung thư vú định kỳ từ sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Hỏi: Phương pháp cắt bỏ vú dự phòng là như thế nào?

Phương pháp cắt bỏ vú dự phòng có thể làm giảm 90% nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia cắt bỏ vú dự phòng có thể không hoàn toàn ngăn ngừa được ung thư vú. Bởi vì mô vú không chỉ có duy nhất ở vú mà còn nằm ở nách, xương đòn… do đó cắt bỏ hai vú không đồng nghĩa là loại bỏ được tất cả các mô vú có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú.

Cùng chuyên mục