Nhà báo Đình Khải: "Bạo lực V.League phản ánh xã hội"

VTVCập nhật 17:00 ngày 03/03/2014

V.League đang ngày một mất đi thương hiệu mà các cá nhân, tập thể - những người tâm huyết với bóng đá nước nhà đã cất công gây dựng bấy lâu chỉ bởi tính bạo lực lên tới mức đáng báo động. Hãy cùng VTV trò chuyện với nhà báo Đình Khải để có được những cái nhìn khách quan nhất của một vị chuyên gia về vấn đề này.

Một thống kê gần đây chỉ ra rằng, số thẻ phạt được rút ra ở 7 vòng đấu đầu tiên tại V.League thậm chí còn cao hơn cả con số tương quan ở giải Ngoại hạng Anh - đấu trường vốn luôn được đánh giá là căng thẳng, kịch tính và cũng không kém phần quyết liệt hàng đầu trên thế giới. Điều đó nói lên điều gì? - Không gì khác chính là việc V.League nói riêng, hay bóng đá Việt nói chung, đang dư thừa những tình huống bạo lực. Thậm chí, giới chuyên môn còn thẳng thắn thừa nhận rằng, trong nhiều pha bóng, mục đích của cầu thủ không phải là giành bóng mà là gây đau đớn - hay nặng nề hơn, là triệt hạ đối thủ.

‘ Thứ người ta nhắc đến nhiều nhất về V.League vào thời điểm này không phải vấn đề chuyên môn mà là những tình huống bạo lực ghê rợn (Ảnh minh họa).

Thẻ phạt và những án treo giò là biện pháp trừng phạt duy nhất được tiến hành cho đến lúc này - thế nhưng, đó cũng chỉ là cách để xử lý vụ việc đã rồi mà thôi. Điều mà những người làm bóng đá cần phải hướng tới không chỉ là phạt nặng những cầu thủ thiếu tinh thần thể thao mã thượng mà xa hơn là ngăn chặn những hành vi triệt hạ vốn như đã ăn sâu vào trí óc những người theo nghiệp "quần đùi áo số" nước nhà.

Đem thắc mắc về vấn đề bạo lực sân cỏ trao đổi với nhà báo Đình Khải - một gương mặt rất quen thuộc và có nhiều năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, phóng viên VTV đã nhận được những chia sẻ hết sức thẳng thắn. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa BTV Tiểu Huyền và nhà báo Đình Khải trong chuyên mục 360 độ thể thao:

P.V: Trước tiên xin được hỏi nhà báo Đình Khải, tình trạng bạo lực sân cỏ tại V-League nói riêng và sân cỏ Việt Nam nói chung có phải đến bây giờ mới đáng báo động như thế, hay đã manh nha từ lâu?

- Cần phải nói rằng đây là một vấn đề không mới. Bóng đá là một phần của xã hội, nó luôn luôn song hành với xã hội. Ở xã hội diễn ra theo hướng như thế nào, nó sẽ tác động vào sân cỏ giống vậy, bởi lẽ, các cầu thủ ngoài những giờ tập luyện, thi đấu, họ cũng phải hoà vào với gia đình, xã hội.

P.V: Sau 3 vòng đấu liên tiếp đều có những cầu thủ phải nhập viện vì chấn thương, quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã phải lên tiếng “Kiên quyết không nương tay với bạo lực trên sân cỏ!” với án phạt điểm đối với Đình Đồng của SLNA (cấm thi đấu 10 tháng), theo ông thì hành động thế là để "chữa cháy" hay thực sự nó là biện pháp mạnh, có tính răn đe?

- Theo tôi thì cả hai ý đều đúng. Nó vừa mang tính "chữa cháy" nhưng vẫn có tác dụng răn đe. Nhưng theo quan điểm của tôi, hành động này có phần hơi chậm trễ một chút. Bởi vì như chúng ta đã biết ở 3 vòng đấu liên tiếp (tại V.League - PV) đều xảy ra những tình huống chấn thương nghiêm trọng, buộc liên đoàn bóng đá Việt Nam phải đưa ra các án phạt. Nói cách khác, án phạt có tính chất cấp thời chứ không phải chủ động...

Hơn thế nữa, theo tôi, án phạt chỉ là biện pháp cuối cùng còn trước đó ai là người thực hiện vấn đề giáo dục đạo đức cho các cầu thủ? - Bản thân các cầu thủ phải nhắc nhở nhau, bản thân BHL đội bóng phải có những án phạt nội bộ, nếu hôm nay thấy cầu thủ của mình "đá bậy" thì phải có biện pháp giáo dục, thậm chí đình chỉ thi đấu. Tiếp theo mới đến công việc của VFF.

P.V: Như Nhà báo vừa nói về vấn đề đạo đức các cầu thủ, vậy phải làm như thế nào để tiến tới một sự đồng nhất về thái độ ứng xử giữa BHL, cầu thủ, VFF để tiến tới một hệ ý thức cho các cầu thủ, giúp họ tránh được những hành động phạm lỗi rất phản cảm như thời gian qua?

- Tôi nghĩ các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã chậm trễ trong việc xử lý tình huống. Vấn đề bạo lực đã gây nên rất nhiều dư luận từ vòng đấu thứ 3 và nếu như liên đoàn đi theo, nắm bắt được nhịp độ bóng đá thì ngay lúc đó phải tổ chức một cuộc họp hoặc thậm chí gửi đi những thông điệp răn đe, các cầu thủ sẽ hạn chế những pha phạm lỗi. Thực sự nhìn vào những tình huống phạm lỗi vừa qua tại V.League, tôi cảm thấy thương các cầu thủ bởi với họ nghề chính là đá bóng và đôi chân là một tài sản rất quý. Nếu một pha va chạm làm cho cầu thủ không thể đá bóng được nữa thì các em sẽ làm gì?

Để theo dõi trọn vẹn nội dung của cuộc đối thoại giữa phóng viên VTV và Nhà báo Đình Khải về vấn đề bạo lực sân cỏ và văn hoá ứng xử của cầu thủ Việt, mời độc giả quan tâm xem VIDEO sau: