Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 30/08/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Bước đột phá trong trong chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng "bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hoà bình".

Cuốn sách "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới" là tập hợp 39 bài nói, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới - Ảnh 2.

Cuốn sách "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới". Ảnh: Tạp chí Xây dựng Đảng

Những bài viết, bài nói có nội dung nhất quán xuyên xuốt, được tác giả kế thừa từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước và đúc rút từ thực tiễn phong phú, đã làm sáng tỏ bước phát triển trong tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng của Đảng ta.

Ngay sau khi ra mắt, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, nhất là là các cán bộ lãnh đạo, tướng lĩnh, quân nhân, và cá học giả nhiều năm nghiên cứu về Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuốn sách gồm hơn 400 trang, chia 3 phần. Bao chùm xuyên suốt toàn bộ cuốn sách là những tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, trong theo từng nhóm vấn đề mang tính chiến lược và đối với từng lực lượng cụ thể.

Với vai trò là người đứng đầu Đảng, là Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp cận về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bằng việc đi tìm các câu trả lời cho 13 câu hỏi, những câu hỏi như: Có cần thiết phải xây dựng tư tưởng về chiến lược quốc phòng và đường lối định hướng không? Tính chất chiến tranh trong tương lai sẽ như thế nào? Xu thế phát triển của khoa học - kỹ thuật sẽ ra sao? Mặt trận nào, lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm? Đối tác, đối tượng là ai? Quân đội Việt Nam cần được xây dựng lực lượng như thế nào? Bố trí thế trận quốc phòng, khu vực phòng thủ ra sao?...

Những câu hỏi được chính những nhà quân sự chuyên nghiệp cho rằng, đã thể hiện sự am hiểu tường tận của Tổng Bí thư về những vấn đề của nền quốc phòng Việt Nam. Trong đó, có cả những vấn đề còn yếu kém, tồn đọng, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm rất cao của đồng chí với tư cách là Bí thư Quân ủy Trung ương.

Những câu trả lời cho các câu hỏi ấy, sau đó đã trở thành đường lối, chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Điểm cốt lõi, bước đột phá trong tư duy của đồng chí Tổng Bí thư trong xây dựng chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng "bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hoà bình", bởi hoà bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước, là nhiệm vụ tối thượng trong thời đại mới; "bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định" chính là để đất nước phát triển. Tư tưởng này cũng chính là giá trị phổ quát của thời đại, đó là "lấy bảo vệ môi trường hoà bình là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng, quân sự".

Bảo vệ Tổ quốc đồng nghĩa với bảo vệ hòa bình. Và lực lượng quân đội là nòng cốt trong thực hiện sứ mệnh ấy. Trưởng thành từ đội quân chân đất, mũ nan, quân đội Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh với đầy đủ các quân binh chủng.

Lần đầu tiên trong mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã có tàu ngầm lớp Kilo cùng nhiều vũ khí hiện đại khác. Tất cả là để thực thi sứ mệnh liêng thiêng là bảo vệ Tổ quốc.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới - Ảnh 7.

Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam

Để hoàn thành được những nhiệm vụ khó khăn đó, Tổng Bí thư yêu cầu Quân chủng Hải quân phải "tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay; thấu suốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có vị trí chiến lược của biển, đảo; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hải quân nhân dân Việt Nam"; "tập trung xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo"; "tiếp tục nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam"; "chủ động nắm bắt các thành tựu khoa học - công nghệ, nghiên cứu cải tiến, sáng chế vũ khí, trang bị kỹ thuật, phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đạt hiệu quả cao"…

Việt Nam đã có lữ đoàn tầu ngầm, những trung đoàn máy bay SU30, có trang bị tên lửa phòng không S.300, tên lửa tầm trung hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Về lục quân có những loại xe tăng mới như T90 của Nga…. Việc hiện đại hoá quân sự cũng là hướng đến mục tiêu và lợi ích cao nhất: Đó là sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Với trách nhiệm của người đứng đầu Đảng ta và bằng nhãn quan chính trị sắc bén, những kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn cách mạng, những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư duy ở tầm chiến lược và là định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Qua các chỉ đạo, người đứng đầu Đảng cũng luôn luôn mong muốn và đặt yêu cầu: Song song với quá trình hiện đại hóa quân đội là sự quan tâm đầu tư con người có đủ bản lĩnh, ý chí và trí tuệ để xứng đáng với danh xưng "bộ đội Cụ Hồ" mà nhân dân đã yêu mến dành tặng cho người lính.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới - Ảnh 9.

Sạt lở sông ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Từ vùng sông rạch chằng chịt ở Cà Mau, Bạc Liêu đến vùng phù sa ngọt Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, vùng biên giới An Giang và cả thành phố Cần Thơ… liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông. Hàng trăm ngôi nhà bị nhấn chìm, nhiều con đường bị chia cắt chỉ trong thời gian ngắn….

Tháng 1 năm nay, hàng triệu người hồi hộp, lo lắng dõi theo thông tin cứu nạn bé Hạo Nam ở Đồng Tháp bị rơi vào trụ bê tông rỗng tại công trình cầu Rọc Sen. Nỗ lực của hàng trăm con người chạy đua với thời gian để tìm bé Hạo Nam nhưng… điều kỳ diệu đã không tới.

Trong những tình huống như vậy, lực lượng vũ trang quân khu 9, đặc biệt là lực lượng thường trực và lực lượng dân quân tự vệ … là lực lượng có mặt sớm nhất để hỗ trợ người dân.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới - Ảnh 11.

Hình ảnh "bộ đội cụ Hồ" tỏa sáng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là trong bối cảnh đối diện với các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng và phức tạp. Bộ đội luôn hiện diện ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để giúp nhân dân ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Những đóng góp ấy đã được Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định "nơi nào khó khăn, gian khổ nhất bộ đội có mặt, phải xông vào".

Sẵn sàng cống hiến, dấn thân là giá trị cốt lõi và cao quý nhất trong nhân cách bộ đội Cụ Hồ. Những giá trị ấy đang tiếp tục được khẳng định và viết tiếp.

Hơn 1 thập niên trở lại đây, khi các nước lớn bắt đầu có sự điều chỉnh chiến lược, theo hướng ngày càng mạnh mẽ và gay gắt. Chiến tranh, xung đột gia tăng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ… Thế giới và khu vực đều có những diễn biến rất phức tạp đặt ra thách thức mới với mọi quốc gia.

Trong bối cảnh như vậy, đất nước ta phải đối mặt với không ít thách thức lớn, phức tạp và nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Nhiều tình huống đặt ra thách thức mất - còn trong các mối quan hệ quốc tế.… Có khi thì đặt chúng ta trước lựa chọn: chiến tranh hay hòa bình.

Quân đội Nhân dân Việt Nam - một đội quân cách mạng, "bách chiến, bách thắng", luôn luôn một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đã giữ cho đất nước ta luôn có được hòa bình, ổn định, thực hiện theo đúng quan điểm cốt lõi trong tư tưởng quân sự, quốc phòng của Đảng ta, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đó là: "Lấy bảo vệ môi trường hoà bình là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng, quân sự". Quân đội Nhân dân Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt trong thực hiến sứ mệnh thiêng liêng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước