Một Việt Nam trách nhiệm, tích cực, chủ động với quốc tế

Việt Cường, Anh Phương, Anh Thư, Văn Khương, Trung Thành, Thừa Chiến-Thứ hai, ngày 04/12/2023 20:48 GMT+7

VTV.vn - Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thổ Nhĩ Kỳ và UAE khẳng định vị thế, uy tín, hình ảnh của một Việt Nam năng động, mạnh mẽ.

Tối 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị COP28, tiến hành các hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau 5 ngày làm việc liên tục với 60 hoạt động song phương và đa phương, trong đó gần 40 hoạt động tại UAE, hơn 20 hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ, 21 thỏa thuận hợp tác quan trọng được ký kết, chuyến công tác đã đạt được các kết quả vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa rất thiết thực, cụ thể, góp phần khẳng định vị thế, uy tín đất nước và huy động những nguồn lực to lớn phục vụ phát triển.

Diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu, hệ thống khí hậu đang tiến gần đến giới hạn đỏ, COP28 năm nay đã trở thành Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử với sự tham dự của gần 140 Nguyên thủ, Thủ tướng các nước và hơn 90.000 đại biểu tham dự. 

Một Việt Nam trách nhiệm, tích cực, chủ động với quốc tế - Ảnh 1.

Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) - Ảnh: VGP

Với sự tham gia tích cực, trách nhiệm và chủ động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu, Tọa đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than", đồng thời Thủ tướng đã chủ trì, đồng chủ trì một số sự kiện đa phương cấp cao. 

Trong các bài phát biểu quan trọng với nhiều thông điệp lớn, gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt.

''Các quốc gia phát triển phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa không bị động, không trông chờ, không ỉ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu'', Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Một Việt Nam trách nhiệm, tích cực, chủ động với quốc tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử - Ảnh: VGP

Những quan điểm trên cũng được Thủ tướng nhấn mạnh khi chủ trì Hội nghị huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu; dự Diễn đàn doanh nghiệp "Huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh"; tiếp Tổng Giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, Tổng Giám đốc Tập đoàn HSBC. Đặc biệt, Thủ tướng đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đưa Việt Nam là nước đầu tiên công bố kế hoạch này. Đây là một trong những điểm nhấn trong khuôn khổ COP 28 với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Thủ tướng đề nghị các bên liên quan nhanh chóng chuyển số tiền cam kết 15,5 tỷ USD thành những dự án cụ thể, mang tính đột phá, với nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng ở Việt Nam.

Trong rất nhiều việc Việt Nam đã làm được kể từ COP26, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang triển khai xây dựng trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, ít phát thải. Đến nay, đây là đề án duy nhất trên thế giới đặt ra mục tiêu này nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Tại COP28, Thủ tướng cũng đã gặp người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn để trao đổi, tham vấn ý kiến và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, tiền tệ. Trong đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những kết quả hết sức tích cực về phát triển kinh tế của Việt Nam với sự điều hành hiệu quả của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn; đặc biệt đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu thành công trong việc tận dụng những lợi ích của thương mại phục vụ phát triển. Còn Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế đánh giá cao các nỗ lực phát triển vượt bậc của Việt Nam thời gian qua và cho biết, IMF dự kiến sẽ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Một Việt Nam trách nhiệm, tích cực, chủ động với quốc tế - Ảnh 3.

Thủ tướng gặp gỡ, tiếp xúc với các lãnh đạo, đại diện các nước - Ảnh: VGP

Nhân dịp này, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống, Chủ tịch nước, Thủ tướng của 15 quốc gia để trao đổi những giải pháp thực chất, hiệu quả nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực; đồng thời thảo luận nhiều giải pháp để góp phần xử lý các thách thức toàn cầu. 

Lãnh đạo cấp cao các nước đều chúc mừng những thành tựu trong phòng chống dịch, trong khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch và công tác đối ngoại của Việt Nam; bày tỏ trân trọng những nỗ lực và kết quả ấn tượng của Việt Nam trong thực hiện các cam kết tại COP26; đánh giá cao vị thế, vai trò ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Các nhà lãnh đạo khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực, mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để nâng tầm quan hệ song phương.

Với UAE, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần tạo ra những xung lực mới để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Tiếp theo cuộc gặp với Tổng thống UAE nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC vào tháng 10 vừa qua, trong chuyến công tác này, Thủ tướng đã gặp Thủ tướng UAE, Phó Tổng thống UAE, Hoàng Thái tử Tiểu vương quốc Dubai. Các nhà lãnh đạo đều khẳng định UAE coi trọng tăng cường hợp tác với Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường đầu tư rất tiềm năng. Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục, lao động, sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD trong những năm tới, UAE tăng cường hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal.

Và ngay sau khi các thỏa thuận cấp cao được thống nhất tại các cuộc gặp trên, Thủ tướng đã tiếp, làm việc với Bộ trưởng Nguồn nhân lực UAE, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, lãnh đạo hơn 12 tập đoàn, tổng công ty, quỹ đầu tư lớn của UAE, trong đó có tập đoàn có giá trị vốn hóa niêm yết hơn 250 tỷ USD để triển khai các dự án, chương trình, kế hoạch rất cụ thể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hydrogen, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, logistics, cảng biển… Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm lần này của Thủ tướng là một bước đột phá trong quan hệ song phương. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng đã có các cuộc hội đàm, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ gồm Tổng thống, Phó Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội, tiếp các bộ trưởng quan trọng phụ trách về kinh tế, tài chính, thương mại, công nghiệp, công nghệ. 

Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Hai bên cũng đã thống nhất về nhiều biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện, trong đó thống nhất mở cửa cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và nông sản của mỗi nước, hướng đến sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 4-5 tỷ USD.

Thủ tướng đã dự diễn đàn doanh nghiệp, tiếp Chủ tịch, Tổng giám đốc nhiều tập đoàn kinh tế và quỹ đầu tư lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực và mong muốn mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Thông điệp quan trọng của Thủ tướng gửi các nhà đầu tư là Việt Nam hướng tới "3 thông", đó là: thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản lý.

Đối với các đối tác khu vực Trung Đông, việc chỉ trong chưa đầy 2 tháng Thủ tướng Chính phủ đã có 2 chuyến thăm đến đây gửi đi một thông điệp về sự quan tâm và ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta tới thị trường rất tiềm năng này. Trung Đông vừa là thị trường có thể mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam, vừa là nơi có nguồn vốn rất lớn từ các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn. 

Chuyến công tác của Thủ tướng cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, hình ảnh của một Việt Nam năng động, mạnh mẽ, chủ động khai mở thị trường mới để thu hút đầu tư và các nguồn lực mới phục vụ phát triển đất nước. Một Việt Nam đã "nói là làm" để triển khai các cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu, với tầm vóc, vai trò, vị thế ngày càng lớn sau hơn 35 năm đổi mới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước