Quốc hội khóa XV và những quyết định chưa từng có tiền lệ để ứng phó đại dịch COVID-19

Tạ Hiển-Chủ nhật, ngày 08/08/2021 22:15 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên họp đột xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 6/8 xem xét Tờ trình của Chính phủ về giải quyết các cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền để đẩy mạnh phòng, chống COVID-19

VTV.vn - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, Quốc hội luôn sát cánh cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19, quyết tâm hết sức kiểm soát đại dịch.

Tối ngày 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

4 quy định về phòng chống COVID-19 sắp áp dụng có gì khác với luật? 4 quy định về phòng chống COVID-19 sắp áp dụng có gì khác với luật?

VTV.vn - Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết đồng ý với 4 nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khác luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến nhanh và phức tạp, đây là những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu phòng, chống đại dịch; thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội - Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phóng viên VTV News đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV về Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 cũng như quyết tâm của Quốc hội trong cuộc chiến chống COVID-19.

Thưa bà, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và ban hành Nghị quyết số 268 có điểm gì đặc biệt và mang ý nghĩa như thế nào với công tác phòng chống dịch COVID-19?

Bà Nguyễn Thúy Anh: Đứng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian gần đây, quán triệt Kết luận 07 của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Quốc hội đã luôn trăn trở về phương thức, cách thức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, tạo hành lang pháp lý vững chắc ứng phó bối cảnh cấp bách của đại dịch, đưa nước ta vượt qua đại dịch một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng khoảng 2 tuần, kể từ ngày 22/7/2021 đến ngày 06/8/2021, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập 3 cuộc họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thảo luận, quyết nghị các nội dung liên quan đến phòng chống dịch COVID-19. Để kịp tiến độ, các Ủy ban của Quốc hội đã không quản ngại làm việc xuyên đêm để có các báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội khóa XV và những quyết định chưa từng có tiền lệ để ứng phó đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu ý kiến tại phiên họp bất thường để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, 12 giờ đêm ngày 23/7/2021, Chính phủ gửi Tờ trình đến Quốc hội, sáng ngày hôm sau, 24/7/2021, các Ủy ban đã hoàn thành công việc thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào cuối buổi sáng để chiều cùng ngày đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Lần này, ngày 05/8/2021, Chính phủ đã gửi văn bản, Tờ trình đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ngày 06/8/2021, đã có văn bản thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết. Tất cả chỉ gói gọn trong thời gian rất ngắn nhưng vẫn đảm bảo về quy trình, thủ tục và chất lượng văn bản.

Về nội dung, nếu như Nghị quyết số 30/2021/QH15, là sáng kiến lập pháp của Quốc hội, đưa ra phương hướng và tạo tiền đề để Chính phủ vững tâm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, các vấn đề chưa được luật quy định hoặc những vấn đề khác với quy định của luật để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thì Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 06/8/2021 được ban hành nhằm cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật tổ chức chính quyền địa phương, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 như các vấn đề liên quan đến chi trả chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 cũng đồng thời là giấy phép hoạt động; cho phép Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch và giao Thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân và báo cáo Hội đồng Nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

Như vậy, cả về mặt thời gian cũng như về mặt nội dung, Nghị quyết số 30 của Quốc hội cũng như Nghị quyết số 268 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều là những vấn đề chưa có tiền lệ lập pháp để ứng phó với tình hình khẩn cấp, cấp bách của đại dịch COVID-19 vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết.

Qua Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 268 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho thấy quyết tâm như thế nào của Quốc hội trong công tác phòng chống dịch COVID-19, thưa bà?

Bà Nguyễn Thúy Anh: Lịch sử nước ta cho thấy, khi đất nước đứng trước những gian khó, nguy nan, mỗi người dân Việt Nam đều đã phát huy trách nhiệm, vai trò của mình để bảo vệ đất nước, để giúp đất nước vượt qua những chông gai, thử thách.

Vào thời điểm hiện tại, với phương châm "chống dịch như chống giặc", Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước mà nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Quốc hội khóa XV và những quyết định chưa từng có tiền lệ để ứng phó đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Quốc hội thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Ảnh: TTXVN)

Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng trách nhiệm và tạo hành lang pháp lý vững chắc để Chính phủ, các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Bên cạnh việc đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chỉ Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng đã phải nỗ lực hết mình khi trực tiếp nhận, nghiên cứu tài liệu của Chính phủ chỉ trong thời gian rất ngắn để tham gia ý kiến, quyết định theo thẩm quyền tại các Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.

Có thể nói, Quốc hội luôn sát cánh cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19, quyết tâm hết sức mình để kiểm soát được đại dịch này.

Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

NGHỊ QUYẾT

Về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 288/TTr-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 và ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

1. Nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV, trong đó có các nội dung sau đây:

a) Quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động;

b) Giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch;

c) Giao Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.

2. Đối với đề nghị quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19; đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 2

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước