Quyết tâm đưa quan hệ kinh tế Việt Nam - Saudi Arabia lên tầm cao mới

PV-Thứ hai, ngày 11/09/2023 19:33 GMT+7

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh - Ảnh: VGP/Hải Minh

VTV.vn - Chiều 11/9, Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Saudi Arabia đã diễn ra với sự tham dự của hơn 500 đại biểu. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư lớn nhất giữa 2 nước gần đây.

Diễn đàn là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của lãnh đạo các cấp và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Saudi Arabia nhằm góp phần đưa quan hệ kinh tế giữa hai nước lên tầm cao mới.

Saudi Arabia - Đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hoan nghênh Bộ Ngoại giao đã có sáng kiến và phối hợp với Đại sứ quán Saudi Arabia tại Hà Nội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh tổ chức diễn đàn quan trọng này.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc các doanh nghiệp Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam lần này sẽ thăm và làm việc với một số cơ sở kinh tế quan trọng tại Hà Nội và Hải Phòng như cảng biển, khu công nghiệp, nhà máy thép…. để trực tiếp tìm hiểu thực tiễn về các lĩnh vực quan tâm.

Phó Thủ tướng đánh giá Việt Nam và Saudi Arabia là hai nền kinh tế phát triển năng động ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông và đều đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 10/1999), quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa 2 nước không ngừng được củng cố và phát triển.

Quyết tâm đưa quan hệ kinh tế Việt Nam - Saudi Arabia lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước và Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh - Ảnh: VGP/Hải Minh

Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021 - con số rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Saudi Arabia đã và đang triển khai hiệu quả nhiều dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép..., tiêu biểu là dự án tiên phong Zamil Steel (sản xuất thép) với câu chuyện thành công trên 25 năm và vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng kết quả đạt được còn khiêm tốn và vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cả hai bên, điển hình là năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước mới bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và 0,61% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Saudi Arabia, vì vậy hai bên còn nhiều việc phải làm, với nỗ lực và quyết tâm cao hơn nữa, để đưa quan hệ kinh tế phát triển ngày càng nhanh, sâu rộng và bền vững hơn.

Phó Thủ tướng tin tưởng với nền tảng quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp, với nhiều điểm tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, quan hệ kinh tế Việt Nam - Saudi Arabia sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

4 trụ cột hợp tác, 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Tới dự Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị cần đề xuất các biện pháp cụ thể, khả thi để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước; tích cực chia sẻ cơ hội đầu tư - kinh doanh; xác định các lĩnh vực hợp tác mới.

Quyết tâm đưa quan hệ kinh tế Việt Nam - Saudi Arabia lên tầm cao mới - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng gợi ý các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả "4 trụ cột hợp tác và 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm" giữa hai nước.

4 trụ cột hợp tác, theo Phó Thủ tướng, gồm:

- Nâng cao kim ngạch thương mại, đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal.

- Khuyến khích đầu tư vào thị trường của nhau trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp nặng và công nghiệp thực phẩm.

- Đẩy mạnh hợp tác về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hạ tầng số và viễn thông.

- Tạo động lực mới cho hợp tác du lịch và lao động theo hướng bền vững, hiệu quả, chất lượng cao.

Trong khi đó, 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm:

- Không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách (như ký kết các hiệp định mới) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế giữa hai nước.

- Tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường, cơ hội hợp tác; các tập quán kinh doanh và quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước.

- Tổ chức có hiệu quả các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá về thương mại, đầu tư, du lịch… tại mỗi nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước