Thủ tướng: Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm trong việc tiền điện tăng cao

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 22/06/2020 20:08 GMT+7

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Trước phản ánh của báo chí về hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao trong 1-2 tháng trở lại đây, Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ những thông tin này.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều nay, Thường trực Chính phủ đã họp về các biện pháp nhằm đảm bảo đủ điện cho cả nước thời gian tới và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào các dự án điện.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ này, mặc dù nhiều dự án nhà máy điện không bảo đảm tiến độ, nhưng trong những mùa hè gần đây, nhất là năm nay này, dù nắng nóng gay gắt kéo dài và nhiều hồ thủy điện có mực nước thấp, nhưng cả nước không bị thiếu điện. Kết quả này một phần là do Chính phủ đã khuyến khích được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, đồng thời bổ sung kịp thời hơn 7.000 MW điện gió và điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó các nhà máy đã phát điện thương mại có tổng công suất 5.000 MW. Thường trực Chính phủ nhất trí cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện Quy hoạch điện 8, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên sản xuất điện từ năng lượng gió và mặt trời. Vì đây là nguồn năng lượng dồi dào và sẵn có, còn các doanh nghiệp trong nước, nhất là vừa và nhỏ có thể tham gia đầu tư được. Đồng thời cần thận trọng với phong trào phát triển điện khí ở các địa phương hiện nay, vì tổng công suất đề nghị bổ sung quy hoạch hiện đã lên đến gần 100 nghìn MW.

Phát biểu kết luận buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quan điểm, trong Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về bảo đảo đủ điện cho phát triển đất nước. Vì thế, Bộ Công Thương cần chủ trì, lập phương án thực hiện Quy hoạch phát triển điện của quốc gia và chịu trách nhiệm đến cùng.

Thủ tướng: Xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm trong việc tiền điện tăng cao - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước hết Bộ cần làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị chậm xử lý kiến nghị của địa phương về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí. Đồng thời phối hợp với Uỷ ban quản lý vốn nhà nước để bảo đảm tiến độ các dự án điện do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư và quản lý, dự án nào chậm tiến độ thì lãnh đạo doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm. Thủ tướng giao, Bộ Công Thương, ngay sau cuộc họp này hoàn thiện dự thảo Quy định triển khai các dự án điện đặc thù và cấp bách, để Bộ Tư pháp thẩm định theo đúng pháp luật để trình Thủ tướng quyết định. Quy định này sẽ cho phép các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào các dự án điện được rút ngắn thời gian chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và xây dựng các nhà máy điện, đường dây truyền tải và trạm biến áp, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII, từ năm 2021 đến năm 2030, có tầm nhìn đến 2045, sớm trình Thủ tướng trong năm nay. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho các hoạt động đầu tư để đưa tổng công suất phát điện của Việt Nam từ 55 nghìn MW như hiện nay lên 130 nghìn MW vào năm 2030. Trong quá trình đề xuất các dự án bổ sung vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh và dự thảo Quy hoạch điện 8, không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm, đồng thời chấm dứt tình trạng các địa phương phải đi lòng vòng và kêu ca.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu, việc phát triển điện trong thời gian tới phải theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và pháp luật liên quan đã được Quốc hội thông qua, đó là xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và hạ tầng năng lượng, đồng thời thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác sử dụng hệ thống truyền tải điện quốc gia. Phát triển điện phải song hành với bảo vệ môi trường sống, do đó, cần tiếp tục ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời, còn giá điện phải theo quy luật của kinh tế thị trường để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng.

Trước phản ánh của báo chí về hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao trong 1-2 tháng trở lại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ những thông tin này và phải đảm bảo không để xảy ra sai sót, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng phải làm tốt công tác truyền thông, giải thích công khai, rõ ràng cho người sử dụng điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước