Chuyện về những quan chức nghỉ hưu tham gia hợp tác với DN

VTV-Thứ sáu, ngày 03/10/2014 12:03 GMT+7

Ảnh minh họa.

Việc đánh giá cán bộ có hành động đúng đắn hay người có chủ tâm "lót ổ", tạo sân sau để trục lợi là điều quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cán bộ.

Cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng rút kinh nghiệm việc tham gia Công ty Đèo Cả

Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, tâm điểm chú ý của dư luận cả nước gần đây. Dư luận chú ý không phải vì đây là doanh nghiệp triển khai Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả - một công trình quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng của đất nước. Mọi vấn đề chỉ xuất hiện sau khi vụ việc Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng sau vài tháng nghỉ hưu đã được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Quản trị của doanh nghiệp này.

Theo quy định, người thẩm định, phê duyệt các dự án sẽ không được tham gia kinh doanh, điều hành doanh nghiệp triển khai các dự án do mình phê duyệt. Với những dự án có thời gian tiến hành trên 5 năm như Hầm đường bộ Đèo Cả, thời gian không được tham gia kinh doanh điều hành doanh nghiệp là 3 năm.

Cũng từ đây, những nghi vấn về tính khách quan, công tâm của người đứng đầu ngành GTVT khi dành quá nhiều ưu ái cho doanh nghiệp này lúc đương nhiệm bắt đầu xuất hiện.

 

Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, tâm điểm chú ý của dư luận cả nước trong tuần qua.

Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, tâm điểm chú ý của dư luận cả nước gần đây.

Ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết, công trình Hầm Đèo Cả là tâm huyết và nguyện vọng lớn lao của người dân hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Để dự án này trở thành hiện thực, đó là cả một hành trình dài với nhiều khó khăn để kêu gọi, vận động, thuyết phục doanh nghiệp đầu tư. Tới năm 2012, khi ông về hưu, công trình mới chính thức được người kế nhiệm phê duyệt.

Là người hiểu công trình ngay từ đầu, ông Dũng được mời làm chuyên gia cố vấn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, mình đã chủ quan và không lường hết được hậu quả, khi vận dụng chưa đúng Nghị định 102 của Chính phủ.

Có thể nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã nói đúng sự thật khi ông không đầu tư, góp vốn để kinh doanh. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, là một chính khách trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mình phụ trách ngay sau khi về hưu là việc không nên làm.

Về vụ việc này, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Đã có quy định, bất kỳ một cán bộ đảng viên nào phải làm đúng quy định đó. Trước khi làm gì nên nghiên cứu quy định về vấn đề đó, không thể nhẹ dạ được mời thế nào cũng tham gia”.

 

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT (phải) trao đổi với phóng viên VTV.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT (phải) trao đổi với phóng viên VTV.

Dù sốc với những thông tin không tốt, thậm chí chưa thật đúng về mình nhưng ông Hồ Nghĩa Dũng cũng cho rằng, khi Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, việc ông không cố ý vi phạm các Nghị định của Chính phủ cũng cần được rút kinh nghiệm sâu sắc. Cá nhân ông Dũng đã yêu cầu Công ty Đèo Cả rút tên ông ra khỏi danh sách Hội đồng Quản trị và sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ sự thực.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ: “Nếu lương tâm mình trong sáng, mình sẽ kể cho mọi người hiểu mình. Có thể tôi và nhiều cá nhân khác nữa cũng vẫn phải tiếp tục theo đuổi những công việc nếu mình cho là đúng. Về khía cạnh pháp luật, mình rất phải tỉnh táo và rút kinh nghiệm”.

Việc ông Dũng thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm là một điều đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trên thực tế không thể không thừa nhận những đóng góp của các cán bộ khi họ về hưu tham gia làm kinh tế tư nhân. Không cho rằng vị nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT đã cố ý tạo sân sau hay lót ổ cho mình trước khi về hưu nhưng ông Hương cho rằng, có những việc cán bộ quản lý không được làm và cũng không nên làm.

Nhiều vụ việc quan chức lợi dụng chức vụ trục lợi khiến dư luận lên án

Không phải vô cớ mà dư luận đặc biệt quan tâm và lên án tình trạng quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn tạo sân sau hay "lót ổ" để trục lợi. Những tuyến xe khách chạy quá tốc độ, xe chở hàng quá tải vẫn ngang nhiên đi lại trên đường mà không gặp bất kỳ cản trở nào, không còn là chuyện hiếm gặp. Dư luận có quyền đặt câu hỏi cho việc đằng sau những sai phạm ngang nhiên này.

Ông Trịnh Hòa Bình, nhà nghiên cứu xã hội học cho biết: “Lót ổ cần được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ hàm ý chuẩn bị cho hậu kỳ mà còn cho ngay thực tiễn trước mắt khi có điều kiện thì người ta mới hoạt động để có thể thủ lợi được ngay…”.

Trở lại với vụ tai nạn thương tâm chuyến xe khách tại Lào Cai trong tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp Sao Việt không được cấp phép để khai thác tuyến xe khách đi Lào Cai - Sa Pa mà chỉ được đi tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai. Chính lãnh đạo Sao Việt đã phải thừa nhận việc xe của doanh nghiệp mình đã tự thay đổi lộ trình. Một thực tế, xe của Sao Việt đã đi sai lộ trình, đi quá số ngày cho phép cho đến thời điểm gặp nạn mà không gặp phải bất kỳ sự kiểm tra nào. Không những thế, xe còn tự ý chở quá tải thêm 6 hành khách so với quy định. Một chuyến xe với hàng loạt sai phạm, khiến báo chí không khỏi đặt nghi vấn về việc bao che của chính nhà chức trách.

Một vụ việc khác, cách đây chưa lâu, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã tống đạt quyết định khởi tố với ông Nguyễn Hồng Lâm, Bí thư và ông Ngô Xuân Cảnh, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Hồng Ngự về hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đã bãi nhiệm chức vụ, đình chỉ sinh hoạt 90 ngày đối với hai vị lãnh đạo này. Bước đầu xác minh cho thấy, hai ông Nguyễn Hồng Lâm và Ngô Xuân Cảnh đã vi phạm nghiêm trọng những điều Đảng viên không được làm.

 

Trong thời gian đương nhiệm, hai lãnh đạo huyện Hồng Ngự đã dung túng cho Công ty Ngự Bình khai thác cát trái phép.

Trong thời gian đương nhiệm, hai lãnh đạo huyện Hồng Ngự đã dung túng cho Công ty Ngự Bình khai thác cát trái phép.

Theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm, trong thời gian đương nhiệm, ông Lâm và ông Cảnh đã dung túng cho Công ty Ngự Bình khai thác cát trái phép thuộc địa bàn huyện Hồng Ngự. Bù lại, công ty phải chung chi có các cán bộ này số tiền trên 800 triệu đồng/năm.

Vụ việc đã dần khép lại nhưng niềm tin của người dân vào Đảng bộ, chính quyền nơi này chắc chắn cần có thêm thời gian nữa mới có thể củng cố được.

Thực tế cho thấy, việc hợp tác giữa doanh nghiệp và quan chức dường như là một việc tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Câu chuyện về những cán bộ quan chức sau khi nghỉ hưu tham gia hợp tác cố vấn với doanh nghiệp, cơ quan đơn vị như trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ GTVT cũng là việc bình thường. Điều quan trọng, làm thế nào để đánh giá, phân biệt giữa những cán bộ có hành động đúng đắn với những người có chủ tâm "lót ổ", tạo doanh nghiệp sân sau khi còn đương chức đương quyền?

Trên thế giới, chuyện về những quan chức, cán bộ nhà nước sau khi nghỉ hưu, với kinh nghiệm được tích lũy đã tham gia cố vấn, thậm chí vận động chính sách dự án cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp là việc bình thường. Việc chối bỏ điều này hoặc thiếu một hành lang pháp luật đầy đủ cho nó có thể dẫn đến những xung đột về pháp lý, khó phân biệt hành vi về lợi dụng chức vụ về "lót ổ" hay tạo doanh nghiệp sân sau để trục lợi.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết về vấn đề này trong chương trình Đảng trong cuộc sống hôm nay qua VIDEO sau đây:

 

 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước