Hậu quả trận ném bom Khâm Thiên 25/12/1972

Ký ức Việt Nam-Thứ hai, ngày 30/12/2013 16:57 GMT+7

Gần 2.000 ngôi nhà bị đánh sập, bom Mỹ cướp đi 283 sinh mạng, làm bị thương 266 người. Trong phút chốc, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh chia lìa, con mất cha, vợ mất chồng. Có nhiều gia đình cả nhà không còn ai sống sót.

Tuần cuối cùng của tháng 12/1972. Người Mỹ tỏ ra giữ lời khi ngừng ném bom Hà Nội ngày Giáng sinh 24/12. Nhưng, sau này nhiều người đã nói đó chỉ là một cái bẫy, bởi hệ quả của việc Mỹ ngừng ném bom là rất nhiều người dân đã trở về nhà để lấy thêm nhu yếu phẩm mang đến nơi sơ tán. 25/12/1972, không quân Mỹ cấp tập ném bom trở lại, trận bom B52 hủy diệt đã ném trúng phố Khâm Thiên khiến toàn bộ 6 khối phố tại đây hầu như bị xóa sạch.

Gần 2.000 ngôi nhà bị đánh sập, bom Mỹ cướp đi 283 sinh mạng, làm bị thương 266 người. Trong phút chốc, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh chia lìa, con mất cha, vợ mất chồng. Có nhiều gia đình cả nhà không còn ai sống sót.

Ném bom khu dân cư Khâm Thiên là đỉnh điểm trong mưu tính tàn bạo của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc giành lấy lợi thế trên bàn đàm phán ở Hiệp định Paris. Trước đó, ngày 22/12, không quân Mỹ đã ném bom trúng Bệnh viện Bạch Mai, khiến 28 người thiệt mạng. Khi Khâm Thiên trúng bom, công tác cứu hộ vẫn đang khẩn trương tiến hành ở bệnh viện Bạch Mai. Và lãnh đạo bệnh viện khi đó đã phải đưa ra quyết định hết sức khó khăn.

Công tác khắc phục hậu quả được chính quyền Thủ đô Hà Nội khẩn trương tiến hành. Trước hết, những khu nhà tạm bằng tranh tre được dựng lên cho những nạn nhân mất nhà cửa ở Khâm Thiên. Ngoài ra, các hộ này còn được cấp tem phiếu, để nhận lương thực. Kế đó, các khu nhà được khẩn trương xây mới. Đầu năm 1973, đài tưởng niệm nạn nhân Khâm Thiên được dựng ngay trên nền 3 ngôi nhà bị bom Mỹ san phẳng. Bức tượng được tạc từ một cảnh tượng có thật, khi những người dân dỡ đống đổ nát lên và tìm thấy thi thể một người mẹ đã qua đời nhưng vẫn cố gắng che chắn cho đứa con trong vòng tay của mình.

Ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Thành phố Hà Nội lúc đó, đã tới dự lễ khánh thành đài tưởng niệm và chia sẻ nỗi đau thương mất mát với những người dân ở Khâm Thiên.

Đến tận bây giờ, người dân Khâm Thiên vẫn giữ thói quen lấy ngày 21/11 Âm lịch để tổ chức giỗ chung. Sự đau thương là một phần tất yếu của chiến tranh. Còn chiến tranh, suy cho cùng, lại là một phần tất yếu để con người biết quý trọng giá trị của hòa bình.

Các bạn có thể xem lại nội dung trên qua tập phim Ký ức Việt Nam sau đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước