"Hậu COVID" trong giáo dục

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 05/05/2022 19:01 GMT+7

VTV.vn - Lỗ hổng về kiến thức lẫn kỹ năng, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập phải giải thể, nhiều trẻ gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng là những tác động của đại dịch COVID-19.

Lỗ hổng kiến thức sau học trực tuyến

Thời điểm này, các nhà trường đang tiến hành đánh giá học kỳ 2. Với các học sinh lớp 1, việc đánh giá sẽ không đơn giản khi mà gần một năm trời, học sinh phải học trực tuyến. Dù các thầy cô giáo, dù các bậc phụ huynh đã cố gắng rất nhiều cũng không tránh khỏi có những học sinh chật vật để có thể hoàn thành lớp 1.

Tại lớp 1A1, Trường tiểu học Hồng Kỳ, cô giáo cho cả lớp làm bài kiểm tra môn Toán. Thời gian là 40 phút. Tuy nhiên, đã hết giờ nhưng có bạn vẫn chưa đọc được hết đề bài, có bạn vẫn chưa tính toán xong.

Hậu COVID trong giáo dục - Ảnh 1.

Cô giáo chấm bài của cả lớp, có những bạn gần như làm sai toàn bộ. Kết quả trong số 39 bài có 17 bài hoàn thành tốt (43,6%), 19 bài ở mức hoàn thành (49%), 3 bài chưa hoàn thành (7,4%).

Còn trong giờ làm bài tập Tiếng Việt của học sinh lớp 1A3. Mặc dù cô giáo liên tục nhắc nhở nhưng một số bạn vẫn chưa quen nền nếp, thoải mái làm theo nhu cầu riêng.

Chấm bài nhanh, cô giáo thấy lỗi cơ bản là sai chính tả. Một số bạn yếu về phần đọc hiểu. Kết quả trong số 37 bài có 25 bài hoàn thành tốt, 15 bài ở mức hoàn thành và 7 bài chưa hoàn thành.

Đánh giá đến thời điểm này, các cô giáo nhận thấy có những bạn chưa đạt yêu cầu để lên lớp. Nhưng việc chấp nhận cho học sinh ở lại lớp sẽ là một quyết định khó khăn vì nó ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.

Vẫn còn 1 tháng nữa để cả giáo viên và học sinh cùng cố gắng bù lấp những lỗ hổng kiến thức mà dịch bệnh kéo dài đã gây ra.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới giáo dục

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF đánh giá nhân loại đang chứng kiến lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục được đối với việc học tập của trẻ em. Mặc dù ngay từ năm 2020, Việt Nam đã quyết liệt và chủ động tổ chức các phương thức học tập đa dạng để duy trì việc học tập cho học sinh nhưng dưới tác động của đại dịch, chất lượng giáo dục vẫn bị ảnh hưởng.

Hậu COVID trong giáo dục - Ảnh 2.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 21/2 năm nay, số học sinh đến trường học trực tiếp chỉ đạt hơn 1/3. Gần 2/3 còn lại học từ xa. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, có 54 tỉnh, thành phố phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Cũng trong giai đoạn này, có tới gần 1,5 triệu học sinh không có thiết bị học trực tuyến.

Do đại dịch, đã có trên 1.100 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải giải thể. Đến nay đã có trên 9.100 số cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nghỉ việc sau khi các trường học hoạt động trở lại.

Việc thiếu hụt đội ngũ giáo viên gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc trẻ ở bậc mầm non, có nguy cơ làm tụt lùi kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Nhiều vấn đề tâm lý đối với học sinh sau đại dịch

Sau nhiều tháng bị tách rời khỏi các mối quan hệ xã hội bên ngoài gia đình, chỉ sống quẩn quanh ở nhà, nhiều học sinh gặp khó khăn về tâm lý khi trở lại trường học, với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau như ngại giao tiếp, lo lắng, bất an, thậm chí có những em có hiện tượng trầm cảm.

Hậu COVID trong giáo dục - Ảnh 3.

Có thể thấy việc gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí, rồi những lo lắng của người lớn về thu nhập gia đình, sự sợ hãi với dịch bệnh đều tác động lên tâm lý của trẻ và để lại những hậu quả.

Chúng ta có thể phải cần tới vài tháng, thậm chí vài năm để bù đắp những khoảng trống về kiến thức, kỹ năng cho trẻ và giải quyết những vấn đề thách thức khác như chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, khôi phục lại hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên, chờ đợi những nguồn lực đầu tư mới cho giáo dục quay trở lại. Làm gì để giúp các con vượt qua giai đoạn khó khăn này, để các con không trở thành thế hệ thụt lùi và chịu quá nhiều thiệt thòi do dịch bệnh là câu hỏi cần sớm có lời giải đáp.

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa công bố chính thức đánh giá tác động của đại dịch tới giáo dục cũng như những chiến lược tổng thể để giúp các nhà trường, các học sinh vượt qua khó khăn sau đại dịch. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương, các nhà trường có kế hoạch triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp học sinh vượt khó. Trong khi đó, chỉ chưa đầy 1 tháng nữa, năm học 2021-2022 sẽ kết thúc, học sinh lại nghỉ hè.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước