"Ma trận" sách giáo khoa: Mối lo trước thềm năm học mới

Kim Hải, Duy Công-Thứ năm, ngày 16/06/2022 19:27 GMT+7

VTV.vn - Không phân biệt nổi đâu là SGK, đâu là sách tham khảo? Cái nào cần mua cái nào có thể bỏ qua? - Cùng với đó, giá SGK các lớp 3, 7 và 10 trong năm học tới sẽ tăng...

Bộ Giáo dục - Đào tạo đề xuất định giá Sách giáo khoa

Liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa đang được đặc biệt quan tâm, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn định mức kỹ thuật của sách giáo khoa. Đây là cơ sở quan trọng để định giá sách giáo khoa. Các đơn vị xuất bản sách giáo khoa hiện cũng đã kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5%-15% tùy từng cuốn sách.

Ma trận sách giáo khoa: Mối lo trước thềm năm học mới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TTXVN

Có 3 bộ sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bao gồm bộ Cánh diều của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam Vietpic, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ sách giáo khoa Cánh diều có giá bán cao nhất ở tất cả các lớp, trong đó bộ lớp 3 chưa tính sách ngoại ngữ có giá là 220.000 đồng/bộ. Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là 183.000/bộ. Bộ Chân trời sáng tạo có giá 178.000đ/bộ.

Nếu tính trung bình giá bán từng cuốn sách mới thì ở lớp 3, trung bình giá sách hiện hành là 9.700 đồng/cuốn; bộ Cánh diều có giá cao nhất trong các bộ sách mới, trung bình 18.300 đồng/cuốn, gần gấp đôi. Giá trung bình từng cuốn của 2 bộ sách còn lại cũng ghi nhận cao hơn giá bán sách hiện hành. Sách lớp 7 và lớp 10 cũng tương tự.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn và xuất bản 2 trong số 3 bộ sách giáo khoa theo chương trình mới cho rằng việc định giá sách giáo khoa là giải pháp góp phần ổn định giá sách. Tuy nhiên, quan trọng là phương pháp và kỹ thuật định giá, giúp việc định giá cập nhật được những chi phí đầu vào thực tế (như giấy, công in, nhuận bút…) khiến mức giá đó có thể bù đắp được chi phí cho việc xuất bản SGK, không làm triệt tiêu động lực của các đơn vị xuất bản cũng như các thành phần tham gia vào việc xã hội hóa SGK. Đơn vị này cũng đang nỗ lực các giải pháp giảm giá bán loại hàng hóa đặc biệt này.

Cần đổi mới cách quản lý giá sách giáo khoa

Sách giáo khoa là loại hàng hóa thiết yếu mà bất cứ gia đình nào có con em đi học cũng phải mua. Chính vì vậy, giá sách giáo khoa rẻ là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn. Nhưng giá cả thị trường có quy luật của nó, khi nhà nước đã xã hội hóa công tác biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa thì loại hàng hóa đặc biệt này cũng không thể nằm ngoài quy luật điều tiết giá chung của thị trường.

Vậy làm sao để cân bằng giữa quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh và người sử dụng sách giáo khoa và quản lý giá sách giáo khoa như thế nào khi quy trình biên soạn sách giáo khoa mới đã hoàn toàn thay đổi?

Ma trận sách giáo khoa: Mối lo trước thềm năm học mới - Ảnh 2.

Có nhiều điểm khác biệt giữa sách giáo khoa hiện hành và sách giáo khoa mới. Về hình thức, sách giáo khoa hiện hành có khổ giấy nhỏ, sách in 2 màu. Sách mới khổ to hơn, chủng loại giấy in dày hơn, sách in 4 màu, tiệm cận với cách thiết kế sách giáo khoa hiện đại.

Về quy trình, sách giáo khoa hiện hành đuợc biên soạn từ 20 năm truớc. Chi phí biên soạn, tổ chức bản thảo do ngân sách nhà nước chi trả nên giá bán chỉ tính trên chi phí in ấn, phát hành. Còn sách giáo khoa mới do các đơn vị làm sách chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu tổ chức biên soạn, đưa đi thẩm định, in ấn, phát hành nên chi phí sản xuất sẽ cao hơn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng việc, nếu định giá trần sách giáo khoa cần phản ánh đầy đủ, chính xác chi phí sản xuất của doanh nghiệp, có tính đến mức lợi nhuận hợp lý để họ có điều kiện và động lực xây dựng sách giáo khoa có chất lượng. Khi có biến động về giá cần có điều chỉnh lên - xuống phù hợp. Đồng thời, nhà nước nên có biện pháp để trợ giá sách giáo khoa cho các đối tượng gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo trong xã hội.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng đề xuất, việc hỗ trợ sách giáo khoa cho các địa phương thuộc vùng khó có thể thực hiện thông qua hệ thống thư viện nhà trường để học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể thuê hoặc mượn sách hàng năm.

Có 3 loại hình sách giáo dục thường được học sinh sử dụng phục vụ cho việc học tập:

Thứ nhất là sách giáo khoa được sử dụng chính thức theo danh mục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai là sách bổ trợ, được biên soạn sát theo nội dung chương trình sách giáo khoa như sách bài tập, vở tập viết...

Thứ ba là sách tham khảo, cung cấp thêm các dạng bài tập, các kiến thức nhằm nâng cao hoặc làm phong phú thêm nhận thức cho học sinh.

Trong số này, sách giáo khoa là loại sách bắt buộc học sinh đều phải có còn sách bổ trợ và sách tham khảo thì không bắt buộc. Học sinh có thể mua, có thể không. Tuy nhiên, ở không ít trường học, trong danh mục sách phải mua đầu năm học, ngoài sách giáo khoa, nhà trường còn yêu cầu cụ thể tên các cuốn sách bổ trợ và sách tham khảo phụ huynh cần phải mua.

Không được ép buộc học sinh mua sách tham khảo

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, đối với loại hình sách tham khảo, Bộ yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Ma trận sách giáo khoa: Mối lo trước thềm năm học mới - Ảnh 3.

Các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.

Đi mua sách tham khảo môn Tiếng Anh cho con học lớp 6, có thể tìm thấy rất nhiều sách khác nhau. Sách Toán cũng vậy. Sách tham khảo xếp đầy các kệ, phụ huynh khó có thể phân biệt được sách nào với sách nào.

Theo đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, các cửa hàng bán sách giáo khoa hiện đều niêm yết công khai danh mục và giá bán các cuốn sách giáo khoa. Ở bìa sau các cuốn sách giáo khoa cũng ghi rõ tên từng cuốn.

Tuy nhiên, ở một số nơi, các bộ sách vẫn được đóng sẵn, gồm cả sách giáo khoa và sách bổ trợ. Nếu không có kinh nghiệm chọn sách, rất nhiều phụ huynh sẽ mua cả sách bổ trợ kèm theo mà chưa chắc học sinh đã dùng đến.

Ma trận sách giáo khoa: Mối lo trước thềm năm học mới - Ảnh 4.

Đặc biệt, sách tham khảo mới là loại sách tràn lan trên thị trường. Không chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam, hiện có tổng cộng 14 nhà xuất bản tham gia làm sách tham khảo. Bên cạnh những ấn phẩm có chất lượng, có rất nhiều ấn phẩm xào xáo, thậm chí cắt ghép từ nhiều cuốn khác nhau, được in lậu, không được kiểm soát chất lượng.

Theo các chuyên gia, muốn quét sạch các học liệu 'rác' trên thị trường sách giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì thẩm định chất lượng sách tham khảo, Bộ Tài chính cũng cần thẩm định giá sách tham khảo.

Chiều 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.

Cụ thể, trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước