Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quyết định dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với các học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế?
Quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ GD&ĐT không có quy định tuyển thẳng khi thí sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh. Mặt khác, chưa bao giờ Bộ GD&ĐT cho phép việc này. Do đó, việc dừng tuyển thẳng lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế là yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của Quy chế đã được ban hành.
Vừa rồi Bộ GD&ĐT ghi nhận một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh. Trong đó có bổ sung những nội dung ngoài quy định của Bộ. Vì vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đó cần điều chỉnh ngay việc này để thực hiện việc tuyển sinh đúng theo Quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.
Căn cứ vào đâu để Bộ GD&ĐT quy định 4 nhóm đối tượng thuộc diện tuyển thẳng trong Quy chế tuyển sinh hiện nay, thưa ông?
Một trong những căn cứ rất quan trọng được Bộ GD&ĐT đưa ra để xây dựng thông tư cũng như xin ý kiến ban hành văn bản quy phạm pháp luật là làm sao đảm bảo được sự công bằng nhất đối với tất cả các học sinh. Vì vậy đối với những đối tượng được tuyển thẳng đều là những đối tượng chính sách cần có sự ưu tiên để tạo điều kiện cho các em có thể tiếp tục học tập ở cấp phổ thông. Ngoài ra, một phần ưu tiên dành cho các em học sinh đã tham gia các giải quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật. Đó chính là những căn cứ để Bộ GD&ĐT xây dựng Quy chế tuyển sinh và thực hiện từ năm 2014 đến thời điểm này.
Điều này có nghĩa, những thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ không được hưởng bất cứ ưu tiên nào khi xét tuyển vào lớp 10 theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện nay.
Bộ đánh giá như thế nào về việc một số địa phương có những ưu tiên nhất định đối với những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và cuộc đua lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện nay, thưa ông?
Trước đây, Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ban hành năm 2014 về Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông có điều khoản quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích, Bộ GD&ĐT giao cho Sở GD&ĐT quy định và việc khuyến khích được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018.
Việc ban hành quy định này nhằm tạo điều kiện, khuyến khích các em học tập. Tuy nhiên, khi thực hiện, Bộ nhận thấy rằng, việc khuyến khích phải tính đến sự công bằng trong giáo dục cho các em học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT
Thực tế, cùng một địa phương, những địa bàn học sinh được tiếp cận học ngoại ngữ, gia đình có điều kiện học tập, đặc biệt là học tập để lấy chứng chỉ quốc tế với chi phí cao sẽ thuận lợi hơn so với những địa bàn có điều kiện khó khăn hơn. Như vậy, về năng lực, tiềm năng, trí tuệ thì các học sinh có thể tương đương, nhưng học sinh nhào có điều kiện thuận lợi ít hơn thì không có chứng chỉ. Do đó, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu quy định khuyến khích ấy giao cho các Sở GD&ĐT quyết định có thể sẽ tạo ra sự không công bằng trong giáo dục.
Do vậy, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung Thông tư 11, trong đó đã Khoản 3, Điều 7 quy định về đối tượng được cộng điểm khuyến khích.
Chúng ta phải nghĩ rằng việc học ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân của các em học sinh, học để nắm được ngoại ngữ, dùng đó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc chứ không phải học ngoại ngữ với mục đích để thi lấy chứng chỉ để được tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Như vậy, việc học đó không phải nhu cầu tự thân.
Chúng tôi muốn nhân đây kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh hãy nghĩ rằng lợi ích lâu dài trong việc học ngoại ngữ của con mình là trang bị cho con phương tiện, công cụ học tập làm việc tốt hơn. Phụ huynh không nên chạy đua nhằm trang bị cho mình một cái chứng chỉ để được ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh.
Thưa ông, quan điểm của Bộ GD&ĐT đối với vai trò của học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục hiện nay là gì?
Học ngoại ngữ là chủ trương lớn của đất nước. Học ngoại ngữ ở đây là trang bị cho học sinh một năng lực ngoại ngữ để các em có một phương tiện tiếp cận nguồn tri thức trong nước và hội nhập quốc tế.
Việc khuyến khích học ngoại ngữ đã được thực hiện trong những năm qua và đến thời điểm này, chúng ta có thể nhận thấy rằng, học sinh ở lứa tuổi học trung học phổ thông về mặt ngoại ngữ có những thay đổi rõ rệt so với trước đây. Việc các em có thể đọc trên mạng, vào các website quốc tế tìm kiếm tài liệu để học đã tốt hơn so với trước đây rất nhiều. Đó mới chính là việc mà chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn và trong chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là đẩy mạnh việc này để học sinh có được động lực tự thân trong quá trình học ngoại ngữ.
Trong quá trình học tập, ngoài nội dung môn Ngoại ngữ có một số môn học được dạy bằng ngoại ngữ. Việc này có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả chế độ khuyến khích nhằm quán triệt đến địa phương, nhà trường có thể triển khai tổ chức, học tập môn Ngoại ngữ trong nhà trường theo đúng quy định, chương trình một cách hiểu quả nhất. Như vậy, các em học chứng chỉ ngoại ngữ để dùng chứ không phải học ngoại ngữ chỉ là để học ngoại ngữ.
Theo ông, quyết định này của Bộ GD&ĐT có ảnh hưởng như thế nào đến các thí sinh tập trung chỉ học ngoại ngữ để có thể được cộng điểm hoặc tuyển thẳng nếu có chứng chỉ quốc tế trong thời gian qua?
Nếu các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ tốt hơn và có thể đăng ký thi để lấy được chứng chỉ, việc học đó không đi đâu mất cả mà bản thân các em đã được trang bị vốn kiến thức quý giá.
Nội dung học để thi được chứng chỉ cũng rất tốt, khuyến khích các em học để rèn luyện các kỹ năng bởi thi chứng chỉ có yêu cầu về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Do đó, nếu đã đầu tư cho các em học ngoại ngữ và đạt được một năng lực nào đó là rất tốt, không lãng phí.
Bên cạnh đó, nếu học sinh đã được đầu tư học tập như vậy, khi thi vào lớp 10, ở địa phương nào có môn thi là môn Ngoại ngữ bản thân các em đã sẵn sàng lợi thế, cũng không cần thiết việc khuyến khích hơn các bạn khác.
Cần khẳng định, không phải việc Bộ GD&ĐT ban hành quyết định mới mà chúng tôi có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện theo đúng yêu cầu cần thực hiện trong những năm vừa qua.
Vậy lời khuyên của ông dành cho các thí sinh và gia đình có con thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 là gì, thưa ông?
Học để chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng, phát triển năng lực thực sự của bản thân mới quan trọng. Mục đích là để sau này các em có định hướng tốt cho học lên, định hướng tốt hơn cho nghề nghiệp.
Trên thực tế, với yêu cầu của thị trường việc làm hiện nay người lao động có năng lực đến đâu sẽ có cơ hội việc làm đến đấy chứ không chỉ là câu chuyện học để lấy tấm bằng. Vì vậy lời khuyên của tôi là học sinh phải có động lực học và học một cách thực sự nghiêm túc. Khi đó với bất cứ kỳ thi nào cũng không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào.
Nếu thật sự mình ở đối tượng ấy được ưu tiên, được tuyển thẳng, chúng ta hưởng nhưng nếu không nên học để có năng lực bản thân.
Trải qua các kỳ thi, chúng ta chứng minh được năng lực thực sự của mình để có kế hoạch học tập tốt hơn. Đồng thời, lựa chọn nghề nghiệp đúng hơn, đáp ứng yêu cầu cho bản thân các em, phát triển bản thân cũng như đóng góp cho gia đình và xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn 715/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký về thực hiện tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 gửi các tỉnh, thành.
Theo Bộ cho biết, một số địa phương đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, trong đó có tình trạng thêm một số nội dung không đúng quy định. Đó chính là việc tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đúng chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn theo đúng quy định tại văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2019 về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT.
Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh bảo đảm đúng quy định tại điều 7 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT và thông báo công khai đến các đối tượng liên quan.
UBND tỉnh, thành cần chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch và phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn.
Cũng tại công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ này sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại một số địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!