Tác giả "Chuyện buồn của ngành cơ khí" bất ngờ khi nhận Giải A Báo chí QG

Yến Trang-Thứ hai, ngày 23/06/2014 13:23 GMT+7

"Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào giải thưởng vì việc mình gửi đi dự thi là do trăn trở cùng anh em trong ngành cơ khí nên thử xem nó có được xã hội quan tâm không" - nhà báo Nguyễn Hoàng Long - tác giả của tác phẩm vừa đoạt Giải A - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII chia sẻ.

Đây là chương trình mà chúng tôi quay dài ngày nhất (trên 20 ngày) từ Bắc vào Nam. Trong chương trình có rất nhiều hình ảnh đẹp, ấn tượng về chủ đề mà có lẽ dùng ngôn ngữ viết khó có thể miêu tả được.

Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là khi đi quay một giàn khoan dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang sửa chữa tại Vũng Tàu. Nó như một tòa nhà khổng lồ với rất nhiều chi tiết chỉ yếu là sắt thép.

Khi tìm hiểu qua đơn vị sửa chữa là công ty cơ khí trong nước, chúng tôi ngạc nhiên về năng lực của đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Giàn khoan này được làm trong nước hoàn toàn, việc sửa chữa cũng vậy.

Trước đây, Nhà nước chưa tin tưởng về năng lực của ngành cơ khí trong nước nên cho thuê công ty nước ngoài thực hiện nhưng 5 năm trở lại đây, những dự án như này đã được đấu thầu trong nước và không ít doanh nghiệp cơ khí chuyên ngành đã trúng thầu, hàng nghìn kỹ sư, công nhân có việc làm, trình độ công nghệ được nâng lên và hàng trăm triệu USD được tái đầu tư trở lại nội địa.

‘ Đạo diễn Nguyễn Hoàng Long

Đầu 2014, khi Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 được tổ chức tại Quảng Ninh, Hội đồng xét các tác phẩm dự thi của Trung tâm Phim tài liệu & Phóng sự đã chọn phóng sự Chuyện buồn của ngành cơ khí là một trong 3 phóng sự đại diện đơn vị đi thi.

Series 2 số được chúng tôi rút gọn lại thành 1 số với thời lượng gần 14 phút. Thực sự đây là một công việc nặng nề và rất khó bởi nói về một ngành có tác động đến sự phát triển KT-XH đất nước như ngành cơ khí mà chỉ được phép gói gọn dưới 14 phút (trước đó việc rút từ 3 số xuống còn 2 số đã là một việc khó khăn và mất nhiều thời gian).

Ekip chúng tôi lại phải bàn đi, tính lại hàng chục lần để xem rút chi tiết nào? cắt bới phỏng vấn ai? Sử dụng hình ảnh nào? Ngay cả kết cấu và cách đặt vấn đề cũng thay đổi. Thực chất đó là việc làm mới một đề tài. Ngay cả việc lời bình cho sắc hơn, cho đanh hơn cũng mất nhiều thời gian để tìm được từ “đắt”. Riêng với phóng sự đi dự thi Liên hoan lần thứ 33, chúng tôi đã viết đi, viết lại 7 lần, kèm theo đó phải đọc đi, đọc lại 5 lần.

Việc làm đi, làm lại nhiều lần đến nỗi tất cả thuộc mọi hình ảnh, âm thanh, lời bình của cả phóng sự, ngay cả đối với người đọc. Có lẽ sự trau chuốt về hình ảnh và nội dung cộng với cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề tốt, phóng sự Chuyện buồn của ngành cơ khí được đánh giá rất cao tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 33 (2013) và đoạt Huy chương vàng thể loại Phóng sự.

Tiếp theo đó, được sự động viên, khích lệ của Lãnh đạo và đồng nghiệp chúng tôi lại gửi tiếp đi dự thi Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII. Khi nhận được tin phóng sự “Chuyện buồn của ngành cơ khí” được giải A báo chí năm nay, chúng tôi rất vui nhưng cũng rất bất ngờ.

Lý do là chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào giải thưởng vì việc mình gửi đi dự thi là do trăn trở cùng anh em trong ngành cơ khí nên thử xem nó có được xã hội quan tâm không. Nhưng việc đề tài về ngành cơ khí được đánh giá cao trong thời điểm mà sức nóng về biển đảo đang hút mọi quan tâm của xã hội, trong đó có báo chí thì quả thực nó có giá trị tích cực với đời sống KT-XH đất nước.

Với người làm báo chúng tôi không gì hạnh phúc bằng, những tác phẩm của mình có ý nghĩa với xã hội, còn giải thưởng chỉ là sự khích lệ về nghề nghiệp mà chúng tôi đã yêu và theo đuổi nó nhiều năm qua. Việc đoạt giải A Báo chí quốc gia năm nay sẽ là động lực lớn cho con đường mà ekip của chúng tôi đã chọn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước