"Bất thường" hơn 9 tỷ lượt giao dịch/quý của một sàn thương mại điện tử

Khánh Huyền-Thứ tư, ngày 26/07/2023 21:07 GMT+7

VTV.vn - Trong quý I/2023, một sàn thương mại điện tử có hơn 9 tỷ lượt giao dịch, gấp đến 225 lần so với quý IV/2022.

Theo dữ liệu thống kê từ Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế, quý I năm nay, đã có 260 sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin của hơn 83.000 cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn, với số lượng giao dịch là hơn 9 tỷ 81 triệu lượt. Điểm nghi vấn là con số hơn 9 tỷ lượt giao dịch của quý I gấp tới hơn 100 lần so với số lượt giao dịch của quý IV năm 2022.

9 tỷ lượt giao dịch qua sàn TMĐT là không chính xác

Đáp ứng quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP, cơ quan thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin thương mại điện tử để tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử. Tính đến nay, đối với kỳ cung cấp thông tin đầu tiên (Quý IV/2022), đã có 313 sàn cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế, trong đó có một số sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso,… Theo dữ liệu thống kê từ Cổng thông tin TMĐT, Cơ quan Thuế đã có được danh sách của 159.224 cá nhân và 31.974 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với số lượt giao dịch là 86,6 triệu lượt.

Đối với kỳ cung cấp thông tin Quý I/2023, tính đến ngày 10/07/2023, đã có 260 sàn cung cấp thông tin, cơ quan thuế có danh sách của 60.663 cá nhân và 22.841 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với số lượng giao dịch là 9,081 tỷ lượt, gấp trên 104 lần so với số lượt giao dịch của quý IV năm 2022.

Phóng viên VTVMoney đã liên hệ với Tổng cục Thuế thì được bà Tạ Thị Phương Lan , Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân cho biết: Số lượt giao dịch kỳ quý I/2023 có dấu hiệu bất thường. Qua rà soát thì Tổng cục Thuế phát hiện sự bất thường này xuất phát từ việc kê khai của một sàn thương mại điện tử.

Bất thường hơn 9 tỷ lượt giao dịch/quý của một sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Lượng giao dịch bất thường được kê khai từ Công ty Cooky.

Theo đó, Công Ty Cổ Phần Cooky, MST 0314498604 có số lượt giao dịch trong quý IV/2022 là 40.247 lượt trong khi quý I/2023 là 9.034.169.633 lượt, có chênh lệch lớn bất thường so với kỳ cung cấp thông tin quý IV/2022, gấp 225 lần.

"Chúng tôi đã rà soát, thì thấy Công ty cổ phần Cooky, khi gửi thông tin đến cơ quan thuế do nhầm lẫn gì đó mà họ đã gửi con số lên đến hơn 9 tỷ giao dịch trong sàn của họ. Trong khi trước đó thì quý trước thì con số không lớn như vậy. Chúng tôi thấy rằng đây là một lỗi mà do phía sàn cung cấp thông tin không chính xác, dẫn đến dữ liệu của cơ quan thuế là không đúng. Chúng tôi đã có việc thông báo cho các sàn để điều chỉnh lại thông tin, bắt đầu từ quý sau thì dữ liệu gửi sẽ phải chính xác hơn", bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân nói.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, sau khi trừ đi số liệu kê khai không chính xác của Công ty Cooky, thì số lượt giao dịch qua các sàn TMĐT quý I/2023 chỉ ở khoảng 47 triệu lượt.

Kê khai không chính xác, trách nhiệm của các sàn TMĐT đến đâu?

Từ vụ việc của Công ty cổ phần Cooky, nhiều người đặt ra câu hỏi trách nhiệm kê khai thông tin của các sàn TMĐT đến đâu, nếu kê khai thiếu chính xác thì sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo Khoản 7, điều 1, Nghị định 91/2022/NĐ-CP, các sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.

Còn theo Điều 19, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, thì việc không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước sẽ bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.

Bất thường hơn 9 tỷ lượt giao dịch/quý của một sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Các sàn TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: "Trường hợp các sàn cung cấp thông tin không đúng và thậm chí dẫn đến tiếp tay cho tổ chức, cá nhân trên sàn trốn thuế thì họ sẽ liên đới chịu trách nhiệm, trong trường hợp nếu như xác định là việc có vi phạm pháp luật về thuế. Việc cung cấp thông tin của các sàn TMĐT phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Công Thương".

Bà Lan cũng cho biết các sàn TMĐT đều phải có trách nhiệm lưu giữ thông tin của các cá nhân kinh doanh trên sàn. Ngoài việc họ phải phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thu thuế, thì họ còn phải có trách nhiệm trong quản lý tiêu dùng, tránh hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy trách nhiệm của sàn rất lớn trong việc cung cấp thông tin lưu giữ thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác.

Tuy nhiên trong thời gian qua, thông tin các sàn TMĐT cung cấp vẫn chưa được đầy đủ. Vì thực tế trong một thời gian dài họ chưa phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác thường xuyên liên tục. Dẫn đến việc lưu giữ thông tin chưa tốt và cung cấp thông tin chưa được xác thực và chưa đầy đủ.

"Trong thời gian tới thì Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp Bộ Công Thương, để có những giải pháp yêu cầu các sàn TMĐT chấn chỉnh ngay việc lưu giữ thông tin đầy đủ, thì mới có thông tin xác thực cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước", bà Lan nhấn mạnh.

Không có chuyện giá trị bình quân mỗi đơn hàng chỉ 1.000 đồng

Trước thông tin một số thông tin cho rằng giá trị bình quân mỗi đơn hàng của quý I/2023 chỉ vào khoảng 1.000 đồng/đơn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Số lượt giao dịch quý I là 9 tỷ 81 triệu lượt là không chính xác, vì vậy nếu dùng tổng giá trị của quý 1 là 11.478 tỷ đồng chia cho số lượt giao dịch ở trên để cho giá trị bình quân một đơn hàng là không đúng.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP thì chỉ các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tiếp thì mới phải cung cấp thông tin doanh thu. Còn các sàn không có chức năng đặt hàng trực tiếp thì không phải cung cấp doanh thu.

"Do vậy, khi ai đó sử dụng giá trị giao dịch trên sàn để chia cho tổng số lượt giao dịch của tất cả các sàn thì hoàn toàn là không phù hợp, vì như vậy là đang chia cho cả những sàn mà họ không cung cấp doanh thu cho cơ quan thuế. Nếu muốn chia bình quân giao dịch thì chỉ chia cho các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến thôi", bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết.

Bất thường hơn 9 tỷ lượt giao dịch/quý của một sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế.

Quản lý thu thuế TMĐT theo rủi ro

Nhiều người đặt câu hỏi sau khi các sàn TMĐT cung cấp thông tin về doanh thu của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thì cơ quan thuế sẽ tiến hành thu thuế như thế nào? Đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Để đối chiếu doanh thu của các tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn TMĐT thì cơ quan thuế phải lựa chọn những nhóm đối tượng để quản lý theo phương pháp rủi ro.

"Chúng tôi sẽ lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu rủi ro trong kê khai doanh thu, để giao về cho cơ quan thuế địa phương quản lý trực tiếp thuế các tổ chức, cá nhân này để đối chiếu doanh thu. Nếu như doanh thu kê khai chưa đầy đủ thì yêu cầu kê khai, nếu chưa có đăng ký kê khai thì cũng được yêu cầu đăng ký kê khai, nộp thuế. Các trường hợp rủi ro bao gồm: Không có thông tin trên hệ thống của cơ quan thuế, chưa thấy kỳ kê khai đều đặn, các tổ chức, cá nhân chưa đăng ký thuế, hoặc không có thông tin về mã số thuế. Chúng tôi cũng yêu cầu các sàn TMĐT cung cấp thông tin về địa chỉ, nơi cư trú của tổ chức, cá nhân đó và giao về cơ quan thuế địa phương để giám sát, quản lý, bà Lan nhấn mạnh thêm.

Việc các sàn TMĐT cung cấp thông tin chính xác, sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng để cơ quan thuế rà soát, đối chiếu và thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua các sàn này, góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước