Bỏ độc quyền vàng miếng SJC?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 20/02/2024 22:18 GMT+7

VTV.vn - Việc có độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý cân nhắc và xem xét.

Giá vàng liên tục biến động mạnh trước và sau Tết Nguyên đán, nhất là trong mấy ngày vừa qua. Đây cũng là giai đoạn thị trường vàng đang chờ đợi sự thay đổi. Một trong những nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường để trình Chính phủ trong quý I này.

Kết thúc dịp mua vàng ngày vía Thần tài, phần lớn các cơ sở kinh doanh đều ghi nhận khối lượng bán ra ở mức trung bình, thậm chí có nơi giảm so với mọi năm do giá vàng miếng SJC neo cao.

Bỏ độc quyền vàng miếng SJC? - Ảnh 1.

Việc có độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không đang được cơ quan quản lý cân nhắc

Ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong cho biết: "Quy đổi giá vàng ở thị trường nước ngoài về Việt Nam với tỷ giá, chi phí, giá khoảng 62-63 triệu đồng/lượng. Nhưng giá vàng SJC cũng phải 76-78 triệu đồng/lượng. Như vậy là chênh nhau hơn 20%. Và khách hàng cũng có sự ngần ngại".

Hôm nay, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 16,6 triệu đồng/ lượng. Việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC có thu hẹp được chênh lệch này hay không, là vấn đề rất được quan tâm hiện nay khi tổng kết Nghị định 24 vốn đã áp dụng hàng chục năm qua.

Việc có độc quyền vàng miếng SJC nữa hay không sẽ tiếp tục được cơ quan quản lý cân nhắc và xem xét. Tuy nhiên, có độc quyền hay không thì mục tiêu cuối cùng phải đạt được ổn định thị trường vàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong mua bán, tích trữ vàng. Bởi đến nay việc sử dụng vàng để định giá, để huy động thanh toán hoặc cho vay đã được gỡ bỏ, mà chủ yếu là nhu cầu mua vàng làm trang sức, hoặc mua vàng để tích lũy tài sản.

Ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: "Dứt khoát Nhà nước phải nắm độc quyền về vấn đề nhập khẩu vàng, Nhà nước có thể ủy thác cho các Ngân hàng Thương mại, có thể ủy thác cho các doanh nghiệp để có thể nhập vàng. Và không can thiệp để bán cho ai, bán giá nào mà chỉ can thiệp nguồn nguyên liệu".

Từ cuối năm ngoái đến nay, Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải đánh giá và xem xét lại thị trường vàng. Trong các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24.

"Trong quý I, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương tổng kết Nghị định 24 và đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng theo hướng hiệu quả và phù hợp với tình hình mới", ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ.

Đến nay sau 12 năm, Nghị định 24 được cho là đã hoàn hành sứ mệnh chống vàng hoá nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô trong một thời gian dài. Các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi nên việc có bộ công cụ mới, vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường đang rất được chờ đợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước